Các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thông dụng hiện nay

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói "Ngoại ngữ là chìa khoá để đi vào mọi khoa học" mở ra những cánh cửa để tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp tương lai. Và để chinh phục được điều đó, việc đầu tiên bạn cần chính là nỗ lực trau dồi vốn ngoại ngữ của bản thân để có được hỗ trợ cho việc học tập và công việc của bạn sau này. Cùng trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội tìm hiểu rõ hơn về các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đang được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay.

Tìm hiểu các loại chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thông dụng hiện nay (Ảnh minh họa)

1. Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế

1.1. Chứng chỉ TOEIC (Test of English for International Communication)

TOEIC là một trong các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thông dụng nhất hiện nay không chỉ tại Việt Nam, nhằm đánh giá tổng quan khả năng tiếng Anh với 2 phần thi: nghe và đọc hiểu. Với chứng chỉ Anh ngữ quốc tế này, người học sẽ dễ dàng và tự tin làm việc trong môi trường nước ngoài cũng như đạt được trình độ giao tiếp lưu loát.

Chứng chỉ Anh văn này là một trong những xác nhận trình độ uy tín làm hồ sơ xin việc làm và được rất nhiều công ty.

Hiện nay, trung tâm IIG là đơn vị duy nhất cấp chứng chỉ TOEIC có bản quyền tại Việt Nam. Với hiệu lực 2 năm, chứng chỉ Anh ngữ quốc tế TOEIC luôn được công nhận và sử dụng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới ngày nay!

1.2. Chứng chỉ TOEFL (Test of English as a Foreign Language)

Một “gương mặt” không thể thiếu trong danh sách các chứng chỉ Anh văn quốc tế thông dụng được nhiều người biết đến nhất. Chẳng những thế, mức độ đề thi TOEFL khá khó và thay đổi qua từng năm nhưng rất phù hợp với việc bổ sung hồ sơ xin du học Mỹ. Vì vậy nếu bạn đang có ý định du học Mỹ, thì hãy cố gắng ôn luyện và chinh phục chứng chỉ quốc tế này nhé! Cũng như TOEIC, tại Việt Nam, nơi tổ chức và cấp bằng TOEFL chính thức là IIG. Bạn có thể lựa chọn đăng ký dự thi online thông qua Website ETS.org hoặc trực tiếp tại các trung tâm được cấp phép bởi IIG. Chứng chỉ này có hiệu lực trong vòng 2 năm.

1.3. Chứng chỉ IELTS (International English Language Testing System)

IELTS được xem là chứng chỉ tiếng Anh thông dụng nhất ngày nay, đặc biệt với những người mong muốn đi du học Anh, Mỹ, Canada, … hoặc muốn định cư, làm việc lâu năm ở nước ngoài, thậm chí sẽ là điểm cộng lớn nếu trong hồ sơ xin việc làm của bạn có chứng chỉ này điểm tốt.

Chứng chỉ IELTS được đánh giá rất cao, cũng như được công nhận rộng rãi ở nhiều trường học và tổ chức trên thế giới. Vì cấu trúc bài thi này được thiết kế để đánh giá một cách toàn diện nhất 4 kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết. Đặc biệt hơn, tùy vào mục đích của mỗi thí sinh mà họ sẽ được lựa chọn hình thức thi phù hợp: Academic (học thuật) hoặc General (tổng quát). Hiện nay, có hai trung tâm cấp phát chứng chỉ IELTS chính thức là IDP Education Vietnam và British Council (Hội Đồng Anh). Chứng chỉ IELTS cũng có hiệu lực trong vòng 2 năm. Mỗi tháng có từ 2 – 3 đợt thi, điểm thi sẽ được tính trên thang điểm từ 01 đến 09 và sau 13 ngày kể từ ngày thi bạn sẽ nhận được kết quả.

1.4. Hệ thống chứng chỉ tiếng Anh CAMBRIDGE ESOL

Cambridge ESOL (Hội đồng khảo thí Tiếng Anh trường Cambridge) là một bộ phận của trường đại học Cambridge ở Anh quốc, đồng thời là một tổ chức có uy tín, dẫn đầu cả thế giới trong việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực Tiếng Anh ở mọi lứa tuổi và mọi trình độ. Chứng chỉ Cambridge ESOL là câu thần chú bắt buộc để bước vào cánh cổng các trường đại học, học viện, cao đẳng danh tiếng trên thế giới và các công ty lừng danh như Sony, Royal Dutch Shell, Wal-Mart Stores…

Các kỳ thi được phân chia và chấm điểm, đánh giá dựa trên Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu (CEFR), theo đó có 6 cấp độ để đánh giá năng lực Anh ngữ của các thí sinh từ thấp tới cao là: A1-A2-B1-B2-C1-C2. Khung trình độ chung Châu Âu (hình dưới) là cơ sở để thiết kế giáo trình giảng dạy, chương trình giảng dạy và cách thức ra đề thi…. được sử dụng rộng rãi ở các nước châu Âu.

Chứng chỉ YLE, viết tắt của Young Learners English Test, là kỳ thi Tiếng Anh dành cho trẻ em từ 7 đến 12 tuổi gồm 3 cấp độ: starters (dành cho người mới bắt đầu), movers (tương đương với cấp độ A1 trong khung tham chiếu Châu Âu), và flyers (tương ứng với cấp độ A2).
Các kỳ thi KET ,PET, FCE, CAE, CPE là các kỳ thi dành cho học sinh, sinh viên và người lớn, và tương ứng với nó là 5 cấp độ tăng cao dần KET (A2) – PET (B1) – FCE (B2) – CAE (C1) – CPE (C2).

2. Chứng chỉ tiếng Hàn

2.1. Chứng chỉ TOPIK (Test of Proficiency in Korean – 한국어능력시험)

TOPIK là viết tắt của từ 한국어능력시험 trong tiếng Hàn và Test of Proficiency in Korean trong tiếng Anh, nghĩa là kỳ thi năng lực tiếng Hàn. Bài thi này được tổ chức hàng năm bởi Viện giáo dục quốc tế Quốc gia Hàn Quốc, nhằm đánh giá trình độ của người nước ngoài khi học tiếng Hàn. Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thông dụng này là “tấm vé” cho những ai muốn du học Hàn Quốc, hoặc sinh sống, làm việc tại “xứ sở Kim Chi”, cũng như dễ dàng ứng tuyển vào các vị trí của những tập đoàn, công ty Hàn hiện nay.
Bài thi TOPIK gồm 2 phần:

- Phần 1: về từ vựng, ngữ pháp và viết, nhằm kiểm tra khả năng sử dụng trôi chảy các cấu trúc câu và diễn đạt ý trong tiếng Hàn;

- Phần 2: nghe và đọc, nhằm đánh giá khả năng phản xạ và giao tiếp trôi chảy tiếng Hàn.

- Tại Việt Nam, TOPIK chỉ được tổ chức 2 lần/năm vào tháng 4 và tháng 10. Các thí sinh sẽ có 2 tuần để đăng ký tại 2 địa điểm, đó là: Trường Hàn Quốc Hà Nội (tại Hà Nội) và Trường Korean International School (tại thành phố Hồ Chí Minh).

3. Chứng chỉ tiếng Trung Hoa

3.1. Chứng chỉ tiếng Trung TOCF (Test of Chinese as a Foreign Language)

TOCF là một kỳ thi năng lực Hoa ngữ do Văn phòng Kinh tế và Văn hoá Đài Bắc tổ chức.
Mục đích cần có TOCFL:

- Xin việc làm ở các công ty Đài Loan tại Việt Nam;
- Xin visa, du học, xuất khẩu lao động, làm việc tại Đài Loan.

TOCFL gồm các cấp độ: A1, A2, B1, B2, C1, C2, kiểm tra khả năng của thí sinh qua 2 môn: Nghe, đọc hiểu. Thí sinh căn cứ vào tình hình học tiếng Hoa cũng như năng lực tiếng Hoa của mình để lựa chọn cấp thi thích hợp: Thi chữ “Phồn thể” hoặc chữ “Giản thể”.

Tại Việt Nam, TOCFL được tổ chức 2 lần/ năm vào tháng 3 và tháng 11 tại ĐH sư phạm Tp.HCM, ĐH KHXH&NV TP.HCM và Hà Nội, nếu các bạn muốn thi gấp hơn thì lên Văn phòng Kinh tế và Văn hoá Đài Bắc tại 336 Nguyễn Tri Phương, Phường 4, Quận 10, Tp. HCM sẽ thường xuyên tổ chức hơn.

3.2. Chứng chỉ HSK ( 汉语水平考试 )

HSK là viết tắt của cụm từ” Hanyu Shuiping Kaoshi “ ( 汉语水平考试) là kì thi đánh giá năng lực tiếng Hoa. Điểm đặc biệt đối với loại chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thông dụng này không chỉ dành cho đối tượng học tiếng Hoa tại các quốc gia trên thế giới, mà còn dành cả cho chính người Trung Quốc.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, bạn có thể đăng ký dự thi chứng chỉ HSK ở trường Đại học Sư Phạm Tp. Hồ Chí Minh (280 An Dương Vương, P.4, quận 5).

Với mỗi cấp độ HSK khác nhau sẽ có những yêu cầu riêng về trình độ tiếng Hoa. Nhưng vẫn đảm bảo bao quát 4 kỹ năng cơ bản: Nghe – Nói – Đọc – Viết. Vì thế, để chuẩn bị cho kì thi này, bạn phải nắm rõ những yêu cầu đó là gì để chuẩn bị thật tốt và có quyết định thi HSK phù hợp với khả năng.

4. Chứng chỉ tiếng Nhật

4.1. Chứng chỉ tiếng nhật NAT test

NAT à một trong số các chứng chỉ tiếng Nhật quốc tế thông dụng. Kết quả của kỳ thi “NAT-TEST” sẽ được thông báo trong vòng 3 tuần kể từ ngày thi. Thí sinh thi đậu thì sẽ nhận chứng chỉ và bảng điểm, còn thí sinh thi không đậu cũng nhận được bảng điểm. Trong đó không chỉ ghi tổng số điểm mà có ghi rất rõ chi tiết điểm của mình và điểm bình quân của từng môn, từng cụm câu hỏi, để thí sinh có thể nhận thấy ngay những phần nào tốt và phần nào kém.

Nếu JLPT được tổ chức 02 lần/năm, thì “NAT-TEST” lại được tổ chức 6 lần/năm. Giúp gười học có nhiều cơ hội để đánh giá năng lực Nhật ngữ của mình. Về mặt khác, đề thi “NAT-TEST” cũng là một đề thi rất tốt để cho người học Nhật ngữ có thể sử dụng để ôn luyện thi cho kỳ thi JLPT.

4.2. Chứng chỉ năng lực tiếng Nhật JLPT

Chứng chỉ năng lực tiếng Nhật JLPT hiện nay có 5 cấp độ, đó là N1, N2, N3, N4, N5. Vì tên đều có chữ “N” phía trước, nên mọi người thường hay gọi là “thi bằng N”. Trong chứng chỉ tiếng Nhật phổ biến này thì N5 là thấp nhất và N1 là cao nhất.

Với mục đích nhằm kiểm tra, đánh giá trình độ và năng lực sử dụng tiếng Nhật của người học, đây chính là yêu cầu cần có nếu bạn muốn du học hay làm việc tại “Quốc gia mặt trời mọc”. Hiện nay, có 2 cơ quan tổ chức thi JLPT, đó là: Hiệp hội hỗ trợ quốc tế Nhật Bản và Qũy giao lưu quốc tế Nhật Bản.

5. Chứng chỉ tiếng Đức phổ biến

5.1 . Chứng chỉ DSH

Chứng chỉ DSH là viết tắc của câu Deutsche Sprachprüfung für den Hochschulzugang. Đây là bài thi do các trường Đại học tại Đức tự tổ chức và có giá trị cho tất cả các trường Đại học tại Đức. Chứng chỉ DSH thường dành cho sinh viên đã hoặc đang chuẩn bị hoàn thành 4 học kỳ Đại học ở Việt Nam (năm thứ 2, 3) hoặc những bạn đã học xong Đại học ở Việt Nam và muốn sang Đức học Thạc sĩ bằng tiếng Đức.

DSH có 3 cấp độ từ thấp đến cao là DSH 1, DSH 2, DSH 3. Tùy vào từng ngành học mà yêu cầu về chứng chỉ DSH là khác nhau. Thông thường ngành kinh tế hay kĩ thuật cần DSH 2, còn chứng chỉ DSH 3 cần cho ngành Y và ngành ngôn ngữ học. Ngoài ra, DSH 2 có thể thay thế bằng chứng chỉ TestDaF 4 hay DSD II, Feststellungsprüfung hoặc chứng chỉ C2 của viện Goethe đều được. Tuy nhiên, chứng chỉ DSH chỉ được tổ chức thi tại cái trường Đại học tại Đức, hiện Việt Nam chưa thể tự tổ chức kỳ thi chứng chỉ này.

5.2. Chứng chỉ TestDaF

TestDaF là viết tắt của chữ Test Deutsch als Fremdsprache. Chứng chỉ này có thể thi ở bất cứ đâu trên toàn thế giới, chúng phổ biến như IELTS hay TOEFL của tiếng Anh.

TestDaF có 3 cấp độ từ thấp đến cao như TestDaF 3, TestDaF 4, TestDaF 5. Để học Đại học hay Cao học ở Đức cần TestDaF 4 hoặc chứng chỉ tương đương, còn ngành Y hay ngôn ngữ thì yêu cầu sẽ cao hơn. Nhưng nếu bạn hoàn thành tốt cả 4 phần của kỳ thi TestDaF với TestDaF-Niveaustufe 4 thì bạn có thể học ở bất cứ chuyên ngành nào tại các trường Đại học ở Đức. TestDaF có thể thi tại Việt Nam và do Viện Goethe cấp chứng chỉ.

5.3. Chứng chỉ DSD

Chứng chỉ DSD viết tắt của cụm từ Deutsches Sprachdiplom der Kultusministerkonferenz, đây là một chứng chỉ dành cho học sinh phổ thông tại Đức, do chính giáo viên đã được đào tạo chuyên sâu và DSD giảng dạy. Với các trình độ từ thấp đến cao như DSD I, DSD II. Nếu muốn học Đại học hoặc cao hơn ở Đức bạn cần có chứng chỉ DSD II. Tại Việt Nam, chứng chỉ DSD chỉ được cấp bởi trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ và trường THPT Việt – Đức.

5.4 . Chứng chỉ ÖDS

Chứng chỉ ÖDS được viết tắt bởi cụm từ Österreichisches Sprachdiplom Deutsch. Đây là chứng chỉ tiếng Đức của nước Áo, cũng có trình độ A1 – C2 như Viện Goethe và vẫn theo chuẩn chung Châu Âu về ngôn ngữ (GER). Hiện nay ở Việt Nam có duy nhất Khoa tiếng Đức của trường Đại học Hà Nội có tổ chức thi chứng chỉ này.

5.5. Chứng chỉ Telc

Telc viết tắt là The European Language Certificates, tên của một công ty chuyên kiểm tra trình độ ngoại ngữ theo chuẩn khung tham chiếu chung của Châu Âu về ngôn ngữ. Chứng chỉ này có thể thi tại FUU Sachen Vietnam.

Telc có 6 cấp độ từ A1- C2. Hiện nay các kì thi Telc đều áp dụng 10 loại ngôn ngữ tại Châu Âu. Để nhập cư tại Đức cần có Telc German B2, còn những sinh viên muốn theo học tại các trường Đại học tại Đức cần phải có trình độ Telc German C1, có khả năng đàm thoại tiếng Đức tốt. Thực tế Goethe và Telc không quá khác nhau về cách thức đánh giá, đều dựa trên chuẩn GER. Telc được tổ chức khá nhiều ở các Trung tâm ngôn ngữ trên toàn thế giới.

Trên đây là những chia sẻ về những Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới hiện nay. Nhằm đáp ứng được nhu cầu hội nhập quốc tế. Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội đã góp phần đào tạo, tạo ra những thế hệ có đầy đủ những kiến thức và kỹ năng để chinh phục những chứng chỉ quốc tế này.

Các bài viết khác

(024) 6292 8282
(024) 6292 8282 089 983 3579