Khoa Giáo dục đại cương
Sự cần thiết của việc giáo dục pháp luật đối với học sinh, sinh viên
1. Đặt vấn đề
Pháp luật được hiểu là hệ thống các quy tắc xử sự chung được đặt ra bởi nhà nước và mang tính bắt buộc thực hiện với mọi chủ thể trong xã hội. Nội dung của pháp luật thể hiện ý chí, bản chất của giai cấp thống trị.
Với những vai trò của pháp luật có thể nói đến như là công cụ để Nhà nước quản lý mọi mặt của đời sống xã hội. Theo đó, với những đặc điểm của mình như tính quy phạm phổ biến, tính bắt buộc chung, tính cưỡng chế… pháp luật có khả năng được triển khai phổ biến, nhanh chóng, đồng bộ, có hiệu quả và rộng khắp trong phạm vi cả nước thông qua các chính sách phổ biển pháp luật. Qua đó, nhà nước đưa ra các chính sách đối nội, đối ngoại phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa… của đất nước… hay việc giải quyết các mâu thuẫn trong xã hội. Bởi có thể thấy, trong xã hội việc phát sinh các mâu thuẫn là điều không tránh khỏi, khi các mâu thuẫn phát sinh, cần phải có căn cứ để các bên dựa vào đó để giải quyết các mâu thuẫn của mình, vậy có thể thấy pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất.
Xã hội ngày càng phát triển một cách phong phú và đa dạng, các tầng lớp trong xã hội hiện nay không còn sự phân hóa rõ rệt tuy nhiên với các phương thức vận hành xã hội vẫn còn chưa được đẩy mạnh và nâng cao. Việc đưa môn học về pháp luật vào các trường cao đẳng hiện nay là một phương thức truyền tải tối ưu nhất và hơn hết đối tượng được nhắm đến ở đây là học sinh, sinh viên. Như vậy việc giáo dục pháp luật đối với học sinh, sinh viên là điều hết sức cần thiết.
2. Sự cần thiết của việc giáo dục ý thức pháp luật đối với học sinh, sinh viên hiện nay
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học nói chung và trường Cao đẳng nói riêng là một trong những hoạt động, nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, trọng tâm trong nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của công dân và được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm.
Giáo dục pháp luật cho sinh viên có vai trò đặc biệt quan trọng, là cơ sở để mỗi sinh viên nắm vững những kiến thức cơ bản về pháp luật, về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và lợi ích của công dân, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao kiến thức của sinh viên về pháp luật, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng Mạng xã hội đã tác động lớn đến mọi lĩnh vực hoạt động và đời sống sinh hoạt của con người, nhất là học sinh, sinh viên. Mạng xã hội là một môi trường ảo với mạng lưới rộng với những thông tin được cập nhật nhanh chóng, hữu ích và đem lại nhiều thuận lợi cho xã hội hiện đại ngày nay, bên cạnh đó cũng không thể tránh được những nguồn thông tin sai lệch, lừa đảo, tệ nạn, hình ảnh không lành mạnh, một người có thể ngồi hàng giờ liên tục để lướt các trang mạng khác nhau hơn nữa là trường hợp giới trẻ hiện nay tham gia những trò chơi hóa thân thành những nhân vật ảo dẫn đến ảo giác hoặc gục ngay trên bàn chỉ vì ngồi quá nhiều giờ mà không màng đến ăn uống hay nghỉ ngơi.
Chính vì vậy, việc giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên giữ vai trò quan trọng nhằm tạo ra những công dân tương lai biết sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, nội dung giáo dục của nhà trường hiện nay.
3. Phương pháp thực hiện giáo dục ý thức pháp luật hiệu quả đối với sinh viên các trường Cao đẳng
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên ở các trường cao đẳng được thực hiện thông qua chương trình giáo dục pháp luật chính khóa kết hợp với các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép với giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức với giáo dục pháp luật. Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên ở các trường Cao đẳng hiện nay là yêu cầu khách quan, cấp thiết và phải dựa trên những giải pháp cụ thể:
Một là thực hiện sự đổi mới, bổ sung và cải thiện chương trình giáo dục ý thức pháp luật với học sinh, sinh viên. Nội dung của các chương trình giảng dạy nên được xem xét qua từng năm để phù hợp với sự phát triển ngày một nhanh chóng của xã hội.
Hai là linh hoạt, sáng tạo trong lựa chọn, sử dụng hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn và từng đối tượng sinh viên. Với mỗi đối tượng sẽ có những nhận thức và cảm quan tiếp nhận khác nhau, không thể chỉ duy trì một hình thức với tất cả mọi người mà phải đưa ra được nhiều hình thức đa dạng, kết hợp các hình thức, phương pháp như thông qua nội dung các bài giảng, thông qua tuyên truyền miệng; qua các buổi sinh hoạt đoàn thể để phổ biến, giáo dục pháp luật, thường xuyên nên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật.
Một giờ học Pháp luật của sinh viên trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội (FTC).
Ba là nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ giáo viên, giảng viên, pháp luật ở các trường. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhận thức và trình độ chuyên môn, “rà soát, có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên giảng dạy môn pháp luật”
Bốn là phát huy tính tích cực, tự giác của học sinh, sinh viên trong phổ biến, giáo dục pháp luật.
Sinh viên vừa là đối tượng, vừa là chủ thể trực tiếp quyết định chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên ở các trường đại học cần chuyển hóa quá trình phổ biến, giáo dục thành quá trình tự phổ biến, tự giáo dục, phải khơi dậy được tính tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng của chính sinh viên.
Năm là cần đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất để hỗ trợ việc giảng dạy cũng như mô phỏng kiến thức giúp học sinh, sinh viên tiếp thu nhanh chóng, dễ hiểu.
Như vậy việc giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên ở các trường Cao đẳng là nội dung trong chương trình đào tạo, có vai trò đặc biệt quan trọng, tác động trực tiếp đến nhận thức, thái độ và hành vi của học sinh, sinh viên. Việc giáo dục đúng và đủ sẽ góp phần cho xã hội phát triển, loại bỏ được những tác nhân xấu và hơn hết là còn góp phần nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi chấp hành pháp luật của sinh viên, xây dựng đội ngũ sinh viên có đạo đức tốt, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển xã hội.
Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội tích cực vận dụng năm giải pháp trên trong quá trình đào tạo. Hy vọng, sinh viên nhà trường sẽ học tập tu dưỡng để trở thành công dân sống và làm việc theo pháp luật.
Sau đây là một số hình ảnh hoạt động của sinh viên FTC bổ trợ cho giáo dục pháp luật:
Sinh viên FTC đạt giải cầu lông 2023.
Ngày hội hiến máu của sinh viên FTC 2023.
Khoa Giáo dục đại cương