Khoa Giáo dục đại cương
Tổ chức dạy học theo định hướng kết hợp Tại trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội
1. Khái niệm dạy học kết hợp
Dạy học kết hợp hay học tập kết hợp (Blended Learning) là hình thức tích hợp dạy học trực tuyến và dạy học trực tiếp.
Mô hình dạy học kết hợp được sử dụng ở các trường đại học, cao đẳng thường vận dụng nhiều thiết bị dạy học hiện đại, phương pháp giảng dạy tích cực để tạo ra môi trường học tập trao đổi học thuật sôi nổi, rèn luyện kỹ năng nghề cao từ đó tăng chất lượng đầu ra.
2. Các loại mô hình dạy học kết hợp
Trong dạy học kết hợp, người ta phân loại có sáu mô hình sau đây:
2.1 Mô hình Face-to-Face Drive
Sử dụng mô hình giảng dạy truyền thống là chính, tuy nhiên có ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp tài liệu học tập và thực hiện các bài tập luyện tập, đánh giá.
2.2 Mô hình Rotation
Người học sẽ học kết hợp giữa hai mô hình học tập truyền thống và trực tuyến theo một lịch trình đã được thống nhất trước đó.
2.3 Mô hình Flex
Trong mô hình này thì sẽ có giảng viên định hướng và hướng dẫn người học chủ động học tập trực tuyến, giờ học trực tiếp sẽ dành để thảo luận và giải đáp thắc mắc cho cho người học.
2.4 Mô hình Online Lab
Xuyên suốt khóa học, người học tham gia học trực tuyến tại các phòng máy, bên cạnh đó còn chịu sự quản lý và giám sát của các quản trị viên khóa học.
2.5 Mô hình Self-blended
Ngoài việc được đào tạo tại các lớp học truyền thống người học có thể đăng ký thêm những khóa bổ trợ phù hợp khác.
2.6 Mô hình học Online driver
Người học có thể học trực tuyến từ xa và nhận hỗ trợ học tập thông qua các nền tảng trực tuyến.
3. Một số lợi ích của day học kết hợp
3.1 Giúp giảm chi phí truyền thống và thời gian trong đào tạo
Dạy học trực tuyến có nhiều ưu điểm. Theo cuốn: Cẩm nang hướng dẫn đào tạo trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, xuất bản năm 2020 thì đào tạo trực tuyến có ưu điểm: “Ưu điểm của đào tạo trực tuyến giúp giảm khoảng 60% các chi phí truyền thống như địa điểm, lớp học, giáo viên, ...; giúp giảm thời gian đào tạo từ 20-40% so với phương pháp giảng dạy truyền thống nhờ hạn chế sự phân tán và thời gian đi lại; học viên có thể chọn lựa những khoá học có sự chỉ dẫn của giảng viên trực tuyến hoặc khoá học tự tương tác (Interactive Self-pace Course), tự điều chỉnh tốc độ học theo khả năng và có thể nâng cao kiến thức thông qua những thư viện trực tuyến; nội dung truyền tải nhất quán. Đào tạo trực tuyến dễ dàng tạo và cho phép học viên tham gia học, dễ dàng theo dõi tiến độ học tập, và kết quả học tập của học viên”.
3.2 Tăng cường khả năng học tập trải nghiệm của người học
Trải nghiệm tiếng Anh được gọi là Experience, khái niệm này được dùng để chỉ về các sự vật, hiện tượng mà chúng ta trực tiếp tiếp xúc, quan sát và tích lũy được thông qua các sự việc, sự vật trong đời sống. Hiểu một cách đơn giản, trải nghiệm bắt nguồn từ những quan sát, va vấp và khám phá trong ngừng của con người trong cuộc sống. Từ những trải nghiệm bản thân có được, chúng ta dần chín chắn, trưởng thành hơn trên bước đường đời.
Trải nghiệm học tập là cách người học kết nối với kiến thức bằng cách tự mình trải nghiệm nó.
Trong dạy học kết hợp, hệ thống kiến thức được cập nhật thường xuyên và liên tục giúp người học chủ động đưa ra lộ trình học tập rõ ràng, nguồn tài liệu cần thiết trong quá trình học tập và tiếp thu kiến thức. Điều này sẽ khiến cho việc đào tạo của các trường cao đẳng, đại học trở nên chuyên nghiệp, hiệu quả hơn đồng thời nâng cao trải nghiệm học tập của người học.
3.3 Nâng cao tính tương tác
Trong mô hình học tập kết hợp, các bài giảng sử dụng nhiều hình thức thú vị để truyền đạt thông tin. Ví dụ: Chèn video, hình ảnh để tăng tính trực quan, thực tế cho bài học; Bài giảng được chuẩn bị công phu, cập nhật công nghệ do vậy gia tăng cơ hội để người học trao đổi, thuyết trình trước lớp.
Nhờ lợi ích dạy học kết hợp, bài học trở nên sinh động, có nhiều câu hỏi và hoạt động cần tương tác, giúp người học luôn cảm thấy hứng thú và giữ tập trung khi học tập, khiến lớp học năng động, tích cực hơn.
Trong mô hình học kết hợp nếu chọn mô hình một phần nội dung giảng dạy trực tuyến, một phần nội dung giảng dạy trực tiếp, khi đó khả năng tương tác của người học mạnh mẽ, dưới sự hỗ trợ của công nghệ và hệ thống học trực tuyến.
4. Dự kiến tổ chức dạy học theo hướng kết hợp tại FTC
Hiện nay trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội đang tích cực chuẩn bị để có thể tổ chức đào tạo theo hình thức kết hợp tại Trường từ năm học 2023 – 2024.
Các khoa đang xây dựng các học liệu mở để có thể giảng dạy trực tuyến với 30% nội dung đào tạo.
Ngoài xây dựng học liệu mở, giáo án điện tử cho các bài giảng trực tuyến các thành tố của quá trình dạy học cũng đang được tích cực chuẩn bị. Cụ thể:
- Lựa chọn nền tảng trong giảng dạy trực tuyến. Trong đó, phần mềm Microsoft Teams đang được nghiên cứu lựa chọn;
- Quản lý người học trong đào tạo trực tuyến;
- Đánh giá nội dung giảng dạy trong đào tạo kết hợp;
- Những sinh viên chưa có máy tính tiếp thu bài giảng và thực hiện các bài tập như thế nào với các nội dung giảng dạy trực tuyến, …
Các nội dung này đã được bàn bạc và chuẩn bị đầy đủ để khi tổ chức đào tạo kết hợp hiệu quả sẽ thu được cao nhất.
Kết luận. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội đang tích cực chuẩn bị để tổ chức đào tạo theo định hướng dạy học kết hợp là bước đi đúng đắn.
Chúng tôi tin tưởng chắc chắn với hướng đào tạo mới Nhà trường sẽ thu được kết quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động.
KHOA GDĐC