Khoa Giáo dục đại cương
Triển khai đào tạo theo định hướng giáo dục mở tại trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội
Ngày nay Công nghệ thông tin (CNTT) cùng với mạng Internet có sự phát triển vượt bậc đem lại ứng dụng to lớn cho các ngành trong xã hội trong đó có giáo dục. Các chuyên gia giáo dục nhận định: tổ chức đào tạo theo định hướng giáo dục mở đang là một xu hướng tất yếu cho các trường cao đẳng và đại học ở Việt Nam. Tính mở trong giáo dục mở theo có thể hiểu theo các ý nghĩa sau:
- Mở về các đối tượng tham gia hoạt động
Trong giáo dục mở không hạn chế người học về tuổi tác, trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, địa vị xã hội, … miễn là người đó có nhu cầu học tập, đặc biệt là học để phục vụ công việc hay chuyển đổi nghề nghiệp.
- Mở về địa điểm học
Theo mô hình đào tạo cũ người học phải đến lớp, đến trường. Đào tạo theo giáo dục mở, người học sẽ học trực tuyến với nhiều hình thức như: học tại nhà, tại nơi làm việc, học ở các địa điểm khác nhau, thời gian khác nhau, học mọi lúc, mọi nơi với thiết bị được kết nối Internet: máy tính, điện thoại, …
- Mở về ý tưởng
Hiện nay có nhiều ý tưởng trong đào tạo. Chẳng hạn, đào tạo hướng tới phát huy năng lực khởi nghiệp cho người học, đào tạo công dân toàn cầu, …
Giáo dục thiếu tính mở sẽ không thể đào tạo những con người có ý tưởng lớn lao, đáp ứng yêu cầu của thời đại.
- Mở về phương pháp
Với những phương pháp giáo dục truyền thống không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu đào tạo ngày nay. Do đó, việc mở rộng các phương pháp đào tạo đang là xu thế chung của giáo dục đại học.
Hiện nay trong và ngoài nước có nhiều nghiên cứu, triển khai đào tạo theo định hướng giáo dục mở. Cụ thể, từ cuối thế kỷ XX, Việt Nam đã quan tâm đến đào tạo mở. Những năm 90 của thế kỷ XX nước ta có các trường Đại học Mở Hà Nội và trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh. Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh được thành lập năm 1990 với tên ban đầu là Viện Đào tạo mở rộng.
Trường có chức năng đào tạo tại chỗ, đào tạo vệ tinh và đào tạo từ xa nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người học. Hiện nay Nhà trường đang thực hiện đào tạo với các chức năng của giáo dục mở. Trường đại học mở thứ hai là trường Đại học Mở Hà Nội, được thành lập năm 1993 với tên gọi ban đầu là Viện Đại học Mở Hà Nội. Các hệ đào tạo của Trường bao gồm: Chính quy, Vừa làm vừa học, học từ xa, học trực tuyến với 17 ngành đào tạo đại học và 8 ngành đào tạo trình độ Sau đại học. Từ khi thành lập cho đến nay, Trường đã đào tạo hơn 200.000 nhân lực cho xã hội.
Đào tạo mở không chỉ được thể hiện ở tên gọi mà thể hiện ở tất cả các khâu của quá trình đào tạo. Bắt đầu từ tuyển sinh đến chương trình, phương pháp và sự liên thông theo cả chiều ngang và chiều dọc. Vì vậy, ngoài các trường đại học mở kể trên, Việt Nam còn có các hệ thống giáo dục thường xuyên với bản chất là một hệ thống đào tạo mở đáp để ứng nhu cầu học tập của đông đảo người dân. Hệ thống này vừa đáp ứng nhu cầu nhân lực tại chỗ, vừa hỗ trợ đào tạo nhân lực dài hạn theo chiến lược phát triển nhân lực của địa phương và của quốc gia.
Qua phân tích các công trình nghiên cứu và các kết quả các công trình nghiên cứu đã công bố, có thể thấy: nghiên cứu về đào tạo theo định hướng giáo dục mở và vận dụng vào các trường cao đẳng của Việt nam đã được quan tâm nhưng còn ít và chưa cụ thể. Mới chỉ dừng lại ở định hướng chung. Những chương trình đào tạo theo định hướng mở cụ thể còn khá ít, chưa tạo thành một hệ thống có sự kết nối với nhau trong một sơ sở đào tạo hoặc trong nhiều cơ sở đào tạo có cùng chức năng.
Do vậy, trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội đang tích cực chuẩn bị về mọi mặt để triển khai đào tạo theo định hướng giáo dục mở. Khoa giáo dục đại cương của Trường có nhiệm vụ trước mắt là nghiên cứu đào tạo các môn học chung trong toàn Trường theo quy định chung của Bộ theo định hướng giáo dục mở. Đó là các môn: Tiếng Anh, Tin học, Chính trị, Pháp luật.
Định hướng giảng dạy các môn chung trên:
- Trong các môn chung đó, môn tiếng Anh và Tin học đã được Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã biên soạn cấu trúc thành các bài giảng để sinh viên có thể đăng ký học online theo quy định chung. Do đó, Nhà trường sẽ tổ chức hình thức học tập online cho các môn này. Khi đó, sinh viên có thể học mọi lúc, mọi nơi tiếp thu kiến thức là làm bài thi theo quy định chung. Những sinh viên chưa có đủ điều kiện học online thì sẽ học tập trung tại Trường như bình thường.
- Với các môn chung còn lại như Chính trị, Pháp luật Khoa giáo dục đại cương sẽ tổ chức biên soạn các tài liệu mở để sinh viên có thể học online kết hợp với học trực tiếp trên lớp.
Định hướng giảng dạy các môn cơ sở ngành và chuyên ngành
Hiện nay, trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội có 20 ngành đào tạo Cao đẳng nghề. Đây là nhưng ngành học mà thị trường lao động đang cần như: Công nghệ thông tin, Thiết kế đồ họa, Kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật điện, điện tử, Thương mại điện tử, Logistics, tiếng Anh, tiếng Nhật, … Ngoài ra, Trường liên kết đào tạo Đại học cho các học viên có bằng Cao đẳng ở nhiều ngành. Do vậy, chuyển đào tạo theo định hướng giáo dục mở sẽ đáp ứng yêu cầu đông đảo của sinh viên, học viên và nhất là cung cấp nguồn nhân lực cần thiết cho xã hội trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Với các ngành tạo tạo này, Nhà trường đang xây dựng nguồn học liệu mở cho các môn cơ sở ngành, chuyên ngành theo định hướng sinh viên có thể đăng ký học online kết hợp với học trực tiếp trên lớp.
Hy vọng, với định hướng giáo dục mở trong đào tạo, trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà nội sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút được đông đảo sinh viên và học viên theo học tại các ngành đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho thị trường lao động.
KHOA GDĐC