Giới thiệu
GS.TS Trần Quốc Thành - Người Thầy lớn trong ngành Tâm lý học
Trường Cao Đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội (FTC) được thành lập theo Quyết định số 130/QĐ-BLĐTBXH, ngày 22/01/2009 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Với sứ mệnh đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Ngoại ngữ, Công nghệ - Kỹ thuật, Dịch vụ - Du lịch và Kinh tế - Thương mại cho thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Trường có đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn gồm: 01 Giáo sư, 04 Phó Giáo sư, 28 Tiến sĩ, 115 Thạc sĩ, 70 Cử nhân Đại học và người có học hàm cao nhất chính là GS Trần Quốc Thành - Giám đốc Trung tâm Tư vấn học đường và Hợp tác doanh nghiệp, Phó Trưởng khoa Du lịch và Thương mại - bậc đại thụ trong ngành Tâm lý học của nước ta.
Bén duyên với giảng đường Khoa Địa lý – trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1969. Sau hai năm rưỡi học tập tại trường, sinh viên Trần Quốc Thành đã gác bút nghiên lên đường tham gia chiến đấu tại chiến trường nước bạn Lào. Năm 1975, sau khi góp một phần tuổi thanh xuân vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, anh bộ đội Trần Quốc Thành tiếp tục trở lại giảng đường hoàn thành sự nghiệp đèn sách vào năm 1977.
Tốt nghiệp khoa Địa lý, sinh viên ưu tú Trần Quốc Thành được giữ lại trường làm giảng viên khoa Tâm lý- Giáo dục. Hoàn thành chương trình bồi dưỡng Sau đại học chuyên ngành Tâm lý học và bắt đầu tham gia giảng dạy tại Khoa Tâm lý- Giáo dục. Thầy bảo vệ thành công Luận án Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) chuyên ngành Tâm lý học năm 1992. Kể từ đây, lương duyên giữa thầy với ngành Tâm lý học ngày càng gắn bó và những đóng góp cho ngành của thầy cũng bắt đầu tăng dần và được ghi nhận với 40 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế; hơn 30 báo cáo khoa học đăng Kỷ yếu Hội thảo trong nước và Quốc tế; thầy đã chủ trì 8 đề tài khoa học và tham gia hàng chục đề tài từ cấp Cơ sở đến cấp Bộ và cấp Nhà nước; thầy là tác giả của 2 sách chuyên khảo; chủ biên và tác giả của gần 20 giáo trình và sách tham khảo. Những công trình, đề tài do thầy là tác giả hoặc chủ biên đều có tính ứng dụng cao, gắn liền với thực tiễn của ngành Tâm lý học cũng như ngành Giáo dục và Đào tạo, được sử dụng rộng rãi tại nhiều cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam.
Bên cạnh sự nghiệp nghiên cứu và những đóng góp cho công tác nghiên cứu khoa học, GS Trần Quốc Thành còn tham gia các Hội đồng tư vấn xét duyệt, nghiệm thu đánh giá các chương trình đề tài, dự án nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Đồng thời, GS Trần Quốc Thành cũng là thành viên của Hội đồng Giáo sư ngành Tâm lý học từ năm 2009 đến nay. Cùng với việc tham gia đào tạo hàng nghìn Cử nhân, Giáo sư đã hướng dẫn và đồng hướng dẫn thành công 30 luận án Tiến sĩ và khoảng 200 Thạc sĩ; tham gia giảng dạy và phổ biến khoa học tạ hang chục trường Đại học ở khắp mọi miền đất nước.
Với những đóng góp không mệt mỏi đó, thầy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2010 và Huân chương Lao động hạng Ba năm 2012. Trong thời gian công tác tại Khoa Tâm lý- Giáo dục, Giáo sư được cấp trên và đồng nghiệp tin yêu, kính trọng, thầy từng giữ các chức vụ Phó Trưởng khoa và Trưởng khoa. Từ tháng 3/2023 thầy chuyển về công tác tại trường Cao đẳng Ngoại ngữ Công nghệ Hà Nội đảm nhận chức vụ Giám đốc Trung tâm Tư vấn học đường và Hợp tác doanh nghiệp, Phó Trưởng khoa Du lịch và Thương mại.
Từ những kinh nghiệm của 45 năm nghiên cứu và giảng dạy cho các bậc Đại học, Sau đại học, GS Trần Quốc Thành đã giúp khoa Du lịch và Thương mại có nhiều bước tiến bộ vượt bậc: chương trình đào tạo được đổi mới liên tục, phương pháp giảng dạy luôn được cập nhật và ứng dụng những phương pháp tiên tiến, hiệu quả. Điều này giúp sinh viên vừa nắm vững kiến thức, vừa phát triển tốt những kỹ năng thực tế, trang bị kiến thức vững vàng cho tương lai. Thầy không chỉ là một người thầy giàu kinh nghiệm mà còn như một người bạn thân thiết, gần gũi của nhiều thế hệ học trò. Thầy là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò, cho những nhà Tâm lý học trẻ của và là người thầy lớn trong ngành Tâm lý học Việt Nam, giúp ngành ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế.