Nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên trong các trường Đại học, cao đẳng ở Việt Nam hiện nay

Giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên các trường Đại học, cao đẳng là một bộ phận quan trọng trong chương trình giáo dục Đại học, cao đẳng, góp phần vào việc nâng cao trình độ lý luận chính trị, trang bị cho sinh viên thế giới quan, phương pháp luận khoa học làm phương tiện lý luận quan trọng để nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập; là hành trang cơ bản cho sinh viên trước khi bước vào môi trường làm việc. Vì vậy, trong thời kỳ mới, việc nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị đối với sinh viên các trường đại học, cao đẳng có vị trí và ý nghĩa hết sức quan trọng trong chương trình giáo dục đại học, cao đẳng.

1. Vai trò của giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên bậc đại học, cao đẳng ở Việt Nam hiện nay

Trong giai đoạn hiện nay, mặt trái của kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có các giá trị văn hóa truyền thống về đạo đức, lối sống, tình cảm, tư tưởng... của một bộ phận trong thế hệ trẻ, đặc biệt là sinh viên – một lực lượng quan trọng trong xã hội Việt Nam hiện nay. Vì thế, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc giáo dục lý luận chính trị trong môi trường giáo dục quốc dân đóng một vai trò quan trọng. Vai trò đó được thể hiện:

Thứ nhất, trước yêu cầu, nhiệm vụ của nền giáo dục và nhiệm vụ chính trị thời kỳ mới, Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện nhiều chính sách nhằm tạo ra đội ngũ sinh viên hùng hậu có đủ đức và tài, đảm bảo năng lực chuyên môn và bản lĩnh chính trị nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, với nhiều vấn đề đặt ra từ thực tiễn đòi hỏi nền giáo dục cần phải tạo ra những thế hệ sinh viên đủ trình độ lý luận, khả năng tư duy để tiếp tục làm công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và từng bước nâng cao tầm lý luận.

Thứ hai, giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên góp phần phát triển con người toàn diện và lâu dài. Bởi lẽ, ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên rất cần được trau dồi tư tưởng, đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự  hào, tự tôn dân tộc... từ đó, giúp họ kiên định lập trường và có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên góp phần đào tạo thế hệ cán bộ trẻ kế tục sự nghiệp cách mạng và góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Đại đa số sinh viên đều có những phẩm chất đáng quý, như trẻ, khỏe, có học thức, năng động, dám nghĩ, dám làm...

Thứ tư, giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên góp phần tích cực vào công cuộc phát triển trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Việc coi trọng giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng, lối sống cho sinh viên sẽ giúp họ có niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời giúp sinh viên nhận thức rõ và có thái độ phê phán, đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực trong xã hội.

2. Thực trạng chất lượng giáo dục lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam hiện nay

Năm 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 02/2004/QĐ-BGDĐT về việc sinh viên các trường đại học, cao đẳng hệ chính quy phải thi cuối khóa các môn khoa học Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bao gồm triết học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng số tiết của các môn lý luận chính trị theo chương trình trên là từ 330 tiết đến 375 tiết (22-25 đơn vị học trình), chiếm 11% trong chương trình đào tạo ở các trường đại học.

Đến năm 2008, theo Quyết định 52/2008/QĐ-BGDĐT, Bộ Giáo dục và  Đào tạo đã ban hành chương trình các môn lý luận chính trị trình độ đại học, cao đẳng cho sinh viên khối không chuyên. Chương trình này có tổng cộng 225 tiết (10 tín chỉ, tương đương 15 đơn vị học trình), chiếm khoảng 7% trong chương trình đào tạo của sinh viên.

Như vậy, đến năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định cụ thể trong chương trình đào tạo, giảng dạy các môn lý luận chính trị nhằm nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên ở các khối chuyên và không chuyên.

Trong thời gian vừa qua, công tác giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên đã đạt được một số kết quả; song, bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số hạn chế.

Sau gần 15 năm thực hiện Quy định số 54-QĐ/TW, ngày 12-5-1999 của Bộ Chính trị về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng, và hơn 10 năm thực hiện Quyết định 02/2004/QĐ-BGDĐT về việc học tập các môn lý luận chính trị đối với sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho sinh viên đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần nâng cao trình độ lý luận cũng như tư tưởng chính trị cho sinh viên. Hệ thống chương trình đào tạo lý luận chính trị trong các trường đại học được củng cố, phát triển; số lượng sinh viên được đào tạo lý luận chính trị tăng nhanh; nội dung, chương trình bước đầu được đổi mới; đội ngũ giảng viên tăng cả về số lượng và chất lượng; điều kiện vật chất, kỹ thuật của các cơ sở đào tạo được cải thiện.

Tuy nhiên, chương trình các môn lý luận chính trị mới vẫn còn một số điểm chưa hoàn toàn hợp lý, chưa thực sự khoa học, chưa đảm bảo tính chất tích hợp...

Trên thực tế, năng lực sư phạm, vốn kiến thức thực tiễn của một số giảng viên còn hạn chế, kinh nghiệm giảng dạy còn ít ỏi, dễ bị tác động bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường dẫn đến tiêu cực về phẩm chất chính trị, đạo đức nhà giáo... Đặc biệt, phương pháp giáo dục lý luận chính trị trong các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thời gian qua chậm được đổi mới, còn nặng tính giáo điều, sách vở; lý luận không gắn liền với thực tiễn; truyền tải lý luận một cách khô khan, thụ động, một chiều, không phát huy được khả năng suy nghĩ độc lập, khoa học và sáng tạo của người học; trình độ của một số giảng viên lý luận chính trị còn hạn chế; các phương tiện hỗ trợ giảng dạy còn nghèo nàn, điều kiện vật chất - kỹ thuật trong nhiều cơ sở đào tạo còn thiếu thốn... Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng một bộ phận sinh viên không có hứng thú học tập, nghiên cứu các môn lý luận chính trị.

Một số ít sinh viên xác định động cơ học tập chưa rõ ràng, ý thức tự giác, tích cực trong học tập còn thấp, ý thức phấn đấu chưa cao. Tình trạng sinh viên xem nhẹ, coi thường các môn khoa học cơ bản và các môn chung, chỉ chú ý đến môn chuyên ngành đang có chiều hướng gia tăng.

Mặt khác, dưới tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, một số sinh viên còn có những biểu hiện xa rời lý tưởng cách mạng, thụ động và thờ ơ với chính trị, ít quan tâm hoặc ngại tham gia vào các hoạt động xã hội, từ đó ngày càng rời xa phong trào đoàn và các hoạt động cộng đồng.

Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, song, trước yêu cầu của thực tiễn đổi mới, vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay cần phải được coi là nhiệm vụ bức thiết hàng đầu.

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng  ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, với nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị trong các trường đại học, trước hết cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên về cả năng lực chuyên môn lẫn bản lĩnh chính trị và đạo đức, lối sống để họ thực sự xứng đáng là những người đi đầu, gương mẫu và đảm bảo truyền tải kiến thức cho sinh viên. Để làm được điều này, ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trong trường, hàng năm cần thực hiện tốt những công việc sau đây:

Một là, làm tốt công tác từ tuyển dụng, đào tạo đến sử dụng đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, đảm bảo đúng vị trí, đúng đối tượng, chức năng và đúng chuyên ngành trên cơ sở đáp ứng được 3 yêu cầu:

  • Tuyển dụng và đào tạo đúng chuyên ngành, khi sử dụng cán bộ, tránh tình trạng trái chuyên ngành, không đảm bảo chất lượng chuyên môn hoặc phải mất thời gian, chi phí tiền của đào tạo lại.
  • Tuyển dụng và sử dụng cán bộ giảng dạy lý luận chính trị cần đảm bảo về chất lượng cán bộ, kiên quyết không tuyển dụng, không tiếp nhận những giảng viên không đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Cùng với đó, cần ưu tiên tuyển chọn và sử dụng những cán bộ giỏi, có kinh nghiệm và có chiều hướng phát triển tốt.
  • Sử dụng cán bộ hợp lý, đúng chuyên môn, chuyên ngành, tránh tình trạng chồng chéo về chuyên môn.

Tất cả những yêu cầu này nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác cán bộ, mà trực tiếp là cán bộ giảng dạy trong các trường, phát huy tốt khả năng chuyên môn của mỗi cán bộ, tránh tình trạng lãng phí, chồng chéo, không phát huy được khả năng, năng lực của cán bộ.

Hai là, cần có chính sách đãi ngộ, động viên, ưu tiên, khuyến khích nhằm thu hút đội ngũ giảng viên lý luận chính trị. Đặc biệt, đối với cán bộ trẻ, có tài năng và có đủ điều kiện đứng lớp khi được tuyển dụng, tiếp nhận có thể đảm nhận được công tác giảng dạy. Điều này giúp các trường thu hút được cán bộ giỏi, rút ngắn được thời gian đào tạo; đồng thời, tạo động lực quan trọng để cán bộ phấn đấu rèn luyện, nâng cao trình độ về mọi mặt phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy. Song song với chế độ đãi ngộ, cần “có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật”( ), đảm bảo tính kỷ luật, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, khen thưởng đúng đối tượng, tạo động lực cho từng cán bộ giảng dạy không ngừng rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, đạo đức nghề nghiệp.

Thứ hai, không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục lý luận chính trị. Đây là yêu cầu đặt ra từ thực tiễn và những hạn chế trong các chương trình giáo dục cho sinh viên những năm vừa qua. Mỗi giảng viên giảng dạy lý luận chính trị phải chuẩn bị chu đáo đến từng tiết học, tích cực nghiên cứu, nắm bắt thông tin để có thể minh họa những nguyên lý, quy luật, phạm trù bằng những ví dụ cụ thể, đồng thời phải đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, đa dạng hóa phương tiện, hình thức để phục vụ tốt công tác giảng dạy, trang bị cho sinh viên thế giới quan và phương pháp luận khoa học, bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi thử thách, biến động của thế giới, cũng như ở nước ta.

Đối với phương pháp dạy học các môn lý luận chính trị, việc đổi mới phương pháp dạy học có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tạo sức hút đối với sinh viên, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi công nghệ thông tin có những bước phát triển mạnh, cùng với những vấn đề thực tiễn luôn biến đổi, đòi hỏi giảng viên phải biết vận dụng nhiều phương pháp giảng dạy nhằm truyền tải tốt nhất lượng kiến thức và gây hứng thú cho người học để mang lại hiệu quả cao nhất.

Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với thực hiện những vấn đề thực tiễn. Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong môi trường đại học cần gắn với thực tiễn nhằm phát huy tốt tư duy lý luận, giúp họ tự hoàn thiện hơn.

Thứ tư, nâng cao nhận thức và tăng cường tổ chức các hoạt động của các cán bộ đoàn thể trong nhà trường. Cán bộ công đoàn, đoàn thanh niên, hội sinh viên... cần nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên và coi đó không chỉ là nhiệm vụ của các giảng viên lý luận chính trị, mà còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị trong trường học. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn, hội trong nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với các khoa, phòng, ban để cùng tham gia tích cực vào công tác giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên thông qua các hoạt động ngoại khóa, như nghe thời sự, phổ biến nghị quyết, tham dự các hội thảo chuyên đề về tư tưởng chính trị... Đồng thời, tăng cường nắm bắt những suy nghĩ, nguyện vọng của sinh viên thông qua các hoạt động chung để từ đó, uốn nắn, định hướng cho họ về lập trường tư tưởng một cách kịp thời, hiệu quả.

Trong tình hình, điều kiện mới, với những yêu cầu của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sự tác động mọi mặt về chính trị, tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống và bản lĩnh chính trị đối với thế hệ trẻ, nhất là đội ngũ sinh viên là tất yếu. Vì vậy, việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục gắn liền với những giải pháp trong công tác giáo dục lý luận chính trị đối với sinh viên không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong công tác lý luận của Đảng, mà còn đảm bảo xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có đủ phẩm chất, năng lực thực sự có thể đảm nhận và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Nguồn: Viện Triết học - Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

 

 

Các bài viết khác

(024) 6292 8282
(024) 6292 8282 089 983 3579