Cơ hội phát triển nghề nghiệp của sinh viên ngành truyền thông đa phương tiện

Ngành Truyền thông đa phương tiện (tên tiếng Anh: Multimedia Communication) là ngành học những kiến thức liên quan đến việc hiển thị thông tin ở nhiều dạng, bằng nhiều phương tiện khác nhau. Đây là ngành kết hợp giữa tư duy truyền thông báo chí và công nghệ thông tin để sáng tạo ra những sản phẩm truyền thông trên các phương tiện truyền thông.

I. Cần những điều kiện gì để học tốt và làm tốt ngành Truyền thông đa phương tiện?

Như vậy, việc đầu tiên là sinh viên sẽ được học một cách bài bản về Công nghệ thông tin. Các kiến thức về Photoshop, Thiết kế web, Thiết kế ấn phẩm, .. sẽ là các công cụ hữu hiệu để có một sản phẩm đồ họa tốt trên máy tính.

Việc viết lách tốt là một lợi thế đối với các bạn có kiến thức Ngữ văn chắc chắn. Các thông điệp ngắn gọn, chắt lọc về ngôn ngữ sẽ mang tính thuyết phục sâu sắc tới người xem.

Đam mê thì rõ ràng tất cả công việc đều cần có ở người làm nghề nếu muốn phát triển.

Tư duy tưởng tượng, bay bổng có chút lãng mạn sẽ giúp tạo ra những sản phầm đồ họa mang dấu ấn cá nhân.

Và cuối cùng, việc hiểu biết sâu sắc về đối tượng truyền thông cũng như thị hiếu của người tiêu dùng sẽ giúp cho bạn thành công trong nghề Truyền thông đa phương tiện.

 

II. Sinh viên tốt nghiệp Cao đẳng Truyền thông đa phương tiện có thể phát triển nghề nghiệp như thế nào?

Sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện có thể học chuyên sâu ở bậc đại học về một trong các chuyên ngành dưới đây.  

1. Chuyên ngành Quảng cáo

Dù trong thời đại nào thì quảng cáo cũng là một công cụ truyền thông rất hiệu quả, được các nhãn hàng, công ty lớn lựa chọn để quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình. Chắc hẳn bạn đã từng xem qua rất nhiều đoạn video quảng cáo trên tiviYoutubeFacebook và không ít lần cảm thấy hứng thú với sự sáng tạo, thú vị của nó.

Và đó cũng chính là lý do thúc đẩy nhiều bạn trẻ năng động, sáng tạo muốn theo đuổi chuyên ngành quảng cáo. Trong thời hiện đại, quảng cáo không chỉ được thực hiện theo cách truyền thống trên tivi, báo giấy mà còn kết hợp với công nghệ kỹ thuật số để tạo ra các sản phẩm vô cùng ấn tượng.

2. Chuyên ngành Công nghệ Quảng cáo Kỹ thuật số

Đối với chuyên ngành này, sinh viên sẽ được học chuyên sâu về hình thức quảng cáo kỹ thuật số và các công cụ kỹ thuật số như Adobe Experience Cloud, công nghệ thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR). Đồng thời sinh viên cũng sẽ được học về cách hoạt động của quảng cáo kỹ thuật số trên các phương tiện truyền thông xã hội, tiếp thị đa kênh và các kỹ năng tạo nội dung video, âm thanh từ cơ bản đến nâng cao tùy nhu cầu người học.

3. Chuyên ngành Truyền thông Mạng xã hội (Social Media)

Truyền thông mạng xã hội hay Social Media có lẽ đã quá quen thuộc với không chỉ giới trẻ “rành” công nghệ mà với toàn bộ thế hệ từ già đến trẻ. Trên không gian ảo này, bạn bè, người thân có thể chia sẻ thông tin, liên lạc với nhau; các doanh nghiệp coi là một phương thức để tương tác hai chiều với khách hàng của mình.

Làm việc trong ngành này, bạn sẽ được tiếp cận với rất nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau và cách truyền thông trên các nền tảng đó một cách hiệu quả. Đây cũng là một ngành có sự thay đổi không ngừng và cập nhật liên tục nên đòi hỏi bạn phải luôn sẵn sàng tiếp cận và tiếp thu kiến thức của các nền tảng mới.

4. Chuyên ngành Truyền thông và Quan hệ công chúng

Truyền thông và Quan hệ công chúng có chức năng quản lý, đánh giá thái độ của cộng đồng và xây dựng hình ảnh tích cực của công ty trong mắt công chúng.

Ngành Truyền thông và Quan hệ công chúng là một ngành khá tổng quan, tại đây sinh viên sẽ được học về cả truyền thông và quan hệ công chúng. Truyền thông hay truyền thông xúc tiến  là một trong 4 thành phần chính của Marketing, bao gồm: sản phẩm, giá cả, phân phối, truyền thông xúc tiến.

Khi học chuyên ngành này, sinh viên sẽ được phát triển các kỹ năng về các công cụ truyền thông, tổ chức sự kiện, viết báo, quản lý dự án truyền thông, quản lý khủng hoảng, ... Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể tìm kiếm cơ hội việc làm rất đa dạng trong cả ngành truyền thông và quan hệ công chúng như chuyên viên tổ chức sự kiện, quản lý ngôi sao nổi tiếng, nhân viên truyền thông Marketing, nhân viên PR, ...

5. Chuyên ngành Công nghiệp Truyền thông

Ngành truyền thông nói chung và các công cụ truyền thông hiện nay vô cùng đa dạng. Trong chuyên ngành này, sinh viên sẽ được học cách hoạt động của phương tiện truyền thông trên nhiều nền tảng và định dạng khác nhau.

Bên cạnh đó, sinh viên cũng được tìm hiểu cách các phương tiện truyền thông được sản xuất và sử dụng trên quy mô toàn cầu. Từ đó, bạn có thể tận dụng nó tốt hơn cho mục đích truyền thông của mình. Do đó, cơ hội việc làm rất rộng mở.

6. Chuyên ngành Nghiên cứu Điện ảnh và Màn hình

Đây là một ngành khá mới lạ, nó tập trung khám phá về công nghệ màn hình tương tác với người xem, nghiên cứu về truyền hình truyền thống và phong cách sản xuất của các thể loại phim và chương trình truyền hình khác nhau. Ngành này sẽ giúp cho các bạn muốn làm việc trong các chương trình truyền hình thực tế, gameshow, quay TVC quảng cáo, ... 

7. Chuyên ngành Trò chơi và Tương tác

Game online trên máy tính, điện thoại đã trở nên vô cùng phổ biến với đối tượng giới trẻ và học sinh. Đó cũng là một điểm chạm để các nhãn hàng quảng cáo, truyền thông đến đối tượng khách hàng trẻ. Sinh viên học chuyên ngành này sẽ được khám phá vai trò của trò chơi trong xã hội hiện đại. Từ đó các bạn có thể phát triển nó thành một công cụ truyền thông sáng tạo, văn hóa và giải trí giá trị. Sinh viên cũng sẽ được phát triển các kỹ năng thực tế, nghiên cứu và thử nghiệm các trò chơi rất thú vị. Công nghệ game hiện nay đang ngày càng phát triển tại Việt Nam, thu hút được lượng người chơi và quan tâm vô cùng lớn.

8. Chuyên ngành Nghiên cứu Truyền thông

Đối với chuyên ngành này, sinh viên sẽ được nghiên cứu kỹ về sự hình thành, phát triển của truyền thông và các vấn đề tranh luận, tin tức thời sự, khủng hoảng về truyền thông. Một số vấn đề nổi bật có thể kể đến quyền sở hữu phương tiện truyền thông, các chính sách và quy định giới truyền thông, khủng hoảng truyền thông của các tập đoàn lớn.

Sinh viên cũng sẽ được học cách xử lý những vấn đề truyền thông và cách truyền tải những thông điệp nhằm hướng sự chú ý, suy nghĩ của các đối tượng ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Sinh viên ngành này khi ra trường có thể làm việc tại phòng PR của các doanh nghiệp để giữ vai trò xử lý khủng hoảng truyền thông, giúp công chúng có cái nhìn tốt về doanh nghiệp.

9. Chuyên ngành Phương tiện Truyền thông Thể thao

Các chương trình thể thao nhất là bóng đá thường nhận được sự quan tâm và theo dõi của rất nhiều khán giả trên cả nước. Khi học chuyên ngành này, sinh viên sẽ được học cách truyền thông cho một chương trình thể thao, được hoàn thiện kỹ năng ghi âm và kỹ thuật phỏng vấn của mình. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được trang bị các kỹ năng, kiến thức và sự tự tin để làm việc trong lĩnh vực báo chí, truyền thông thể thao hoặc bình luận viên thể thao, ...

10. Chuyên ngành Viết và Chỉnh sửa chuyên nghiệp

Nội dung là phần cốt lõi của mọi chương trình, chiến dịch truyền thông và nó có tác động trực tiếp đến cảm xúc, tâm lý của khán giả. Khi học chuyên ngành này, sinh viên sẽ được đào tạo kỹ năng viết, biên tập nội dung cho các sản phẩm truyền thông từ nhỏ đến lớn, với mục tiêu là tạo sức ảnh hưởng lớn đến đối tượng mục tiêu. Đồng thời, sinh viên cũng sẽ được trau dồi cách làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, nâng cao sự hiểu biết về luật và quy định của ngành. 

11. Chuyên ngành Văn học Sáng tạo

Kỹ năng sáng tạo là một trong những kỹ năng quan trọng nhất trong ngành truyền thông. Với chuyên ngành này, sinh viên sẽ được hoàn thiện khả năng viết và sáng tạo của mình. Bên cạnh đó, sinh viên cũng được cung cấp tầm nhìn mở rộng về văn học và lối suy nghĩ hoàn toàn mới để có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật thú vị, táo bạo và sáng tạo. 

12. Chuyên ngành Báo chí

Báo chí đã và đang là công cụ truyền thông và PR rất hiệu quả, hiện nay báo điện tử đã trở nên phổ biến và dần thay thế báo giấy. Sinh viên chuyên ngành này sẽ được học các kỹ năng viết, điều tra, nghiên cứu, phỏng vấn và biên tập. Bên cạnh đó, sinh viên cũng được trang bị đầy đủ kiến thức về khuôn khổ xã hội, lịch sử, luật pháp và đạo đức./.

Khoa Công nghệ

Các bài viết khác

(024) 6292 8282
(024) 6292 8282 089 983 3579