Công nghệ thực phẩm - Nghề nâng cao giá trị nông sản Việt

Nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng phát triển về chủng loại nông sản và năng suất và được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, hầu hết các loại nông sản được xuất khẩu thô với giá rẻ và phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc nên tình trạng “được mùa, rớt giá” thường xuyên xảy ra. Ngành Công nghệ thực phẩm sẽ góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt Nam nhờ các sản phẩm chế biến. 

Ngành Công nghệ thực phẩm được đánh giá là ngành học có tính ứng dụng cao và đa dạng, nhất là trong cuộc sống hiện đại. Sự phát triển của nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao tạo ra lượng sản phẩm phong phú, đa dạng. Công nghệ thực phẩm là ngành làm gia tăng giá trị nông sản. Thí dụ, nếu 1 kg gạo được bán với giá phổ biến 15.000 – 17.000 đồng, thì sau chế biến thành miến gạo được bán với giá khoảng 50.000 đồng/kg. Giá bán miến dong dao động từ 80.000 – 150.000 đ/kg, trong khi đó giá bột miến dong từ 13.000 – 15.000 đ/kg. Từ 1 kg bột dong sản xuất được 0,7 kg miến, cho thấy lợi nhuận do chế biến mang lại là rất lớn.

Với dân số hơn 90 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 7,5%/năm, nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam đối với thực phẩm chế biến ngày càng lớn và phong phú, đặc biệt là nhu cầu về các sản phẩm sạch được chế biến an toàn và tinh tế. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, ngành công nghệ thực phẩm còn hướng đến việc sản xuất, chế biến những sản phẩm đạt chất lượng cao để phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Đây là một ngành học thực sự tiềm năng và cơ hội khá lớn cho vấn đề việc làm, đặc biệt là với những bạn nữ và góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt.

Theo Cục xúc tiến thương mại Việt Nam, người dân sử dụng khoảng 15% GDP cho tiêu thụ thực phẩm. Điều này, kết hợp với yếu tố dân số trẻ, đã làm cho thị trường thực phẩm Việt Nam trở nên rất tiềm năng. Theo đó, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm đang có những định hướng để thu hút chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực đầy tiềm năng này tại Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 30 doanh nghiệp chế biến thực phẩm lớn như Công ty TPDD NutiFood Việt Nam, An Bình Group, Công ty TNHH CJ Vina Agri, Công ty TNHH Công nghệ phẩm Ba Đình, Công ty CP thực phẩm Hữu Nghị, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Visan), Công ty CP bánh kẹo Hải Hà, Tập đoàn KIDO, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, Công ty cổ phâng thực phẩm Việt San,… bên cạnh hàng ngàn cơ sở chế biến thực phẩm quy mô vừa và nhỏ.

Công nghệ thực phẩm là một trong những nhóm ngành công nghiệp chính được Chính phủ lựa chọn ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2025, tầm nhìn 2035. Do đó, Công nghệ thực phẩm đang là một ngành học hấp dẫn với triển vọng việc làm rộng mở tại các doanh nghiệp nội địa lẫn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

Nhu cầu đối với nhân sự, lao động trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm tại Việt Nam không ngừng gia tăng. Điều quan trọng là bạn phải chuẩn bị và đáp ứng được các yêu cầu về trình độ, bằng cấp để có được công việc tốt.

Tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm, sinh viên có thể làm việc trong các viện nghiên cứu, bộ phận nghiên cứu và phát triển của các công ty hoặc tập đoàn sản xuất/chế biến thực phẩm, nhà máy, công ty sản xuất thực phẩm, huấn luyện viên dinh dưỡng/dinh dưỡng trị liệu,...

Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội đặt cho mình sứ mệnh góp phần đào tạo, cung ứng nhân lực ngành Công nghệ thực phẩm với những đầu tư hợp lí về cơ sở vật chất và chương trình đào tạo thiết thực, hấp dẫn. Tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm, ngoài việc có thể làm cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, bạn còn có thể làm chủ một doanh nghiệp chế biến thực phẩm nho nhỏ tạo việc làm cho những người khác ngay trên quê hương bạn, làm giàu cho chính mình và cho những người dân quê bạn./.

Các bài viết khác

(024) 6292 8282
(024) 6292 8282 089 983 3579