Tin tức - Sự kiện
Tạo động lực phát triển giáo dục nghề nghiệp: "Đào tạo theo định hướng giáo dục mở tại các cơ sở GDNN"
“Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành, triển khai các giải pháp có tính đột phá, tạo động lực cho giáo dục nghề nghiệp phát triển” là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giáo dục nghề nghiệp thời gian tới. Đây là khẳng định của Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng.
Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục Trưởng - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
Những chuyển biến tích cực
- Điểm nhấn đầu tiên chính là việc thể chế chính sách về giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được hoàn thiện và đi vào cuộc sống. Tổng cục đã tham mưu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, hoàn thiện các đề án giai đoạn đến năm 2030 trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Đề án nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam…
Điểm nhấn thứ hai là tăng cường năng lực cán bộ. Với sứ mệnh đào tạo chiếm hơn 75% nguồn nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, giáo dục nghề nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, nhằm tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
- Tổng cục GDNN phấn đấu tuyển sinh đạt 2.295.000 người, đạt 110% so với kế hoạch năm 2022. Trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp: 530.000 người; trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác: 1.765.000 người. Chỉ tiêu tốt nghiệp là 2.043.000 người, đạt 112% so với kế hoạch năm 2022, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp: 346.000 người; trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác: 1.697.000 người.
- Cùng với yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng Chính phủ còn yêu cầu xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển nguồn nhân lực; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, chủ động thích ứng với già hóa dân số. Đồng thời, phải có giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng suất lao động; đặc biệt là tăng cường kỹ năng số cho người lao động…
Để triển khai các yêu cầu này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xác định phải triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, nhóm giải pháp hàng đầu là phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề. Cùng với đó là triển khai chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia tại Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội
Năm 2023, Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội báo cáo Tổng cục GDNN tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề "Đào tạo theo định hướng mở tại các cơ sở GDNN". Đây là diễn đàn hội tụ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi thảo luận, đề xuất ý tưởng nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở GDNN, góp phần thực hiện mục tiêu của "Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2045"
Hội thảo năm nay, tập trung xoay quanh 07 nội dung cơ bản như sau:
Nội dung 1: Giáo dục mở trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN);
Nội dung 2: Xây dnựg học liệu mở và dữ liệu số tại các cơ sở GDNN;
Nội dung 3: Xây dựng hệ thống hợp tác/liên kết đào tạo của các cơ sở GDNN;
Nội dung 4: Xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng giáo dục mở;
Nội dung 5: Phương thức tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả học tập theo định hướng giáo dục mở;
Nội dung 6: Quản lý đào tạo, đảm bảo chất lượng giáo dục theo định hướng giáo dục mở;
Nội dung 7: Những vấn đề khác liên quan đến chủ đề Hội thảo.
Như vậy, có thể nói rằng Giáo dục mở nói chung và Giáo dục mở trong các cơ sở GDNN nói riêng đang ngày càng khẳng định giá trị trong quá trình phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.