
Khoa ngôn ngữ Anh - Đức
Làm thế nào để vượt qua rào cản khi học một ngôn ngữ mới?
Việc học một ngôn ngữ mới là hành trình đầy thử thách nhưng cũng vô cùng tiềm năng. Đây là một cánh cửa ra nhiều cơ hội phát triển trong công việc, học tập và cuộc sống. Tuy nhiên, người học thường gặp phải một số rào cản khi tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ một cách thành thạo. Dưới đây là những khó khăn phổ biến mà người học ngôn ngữ mới gặp phải và các giải pháp cụ thể để vượt qua chúng. Bài viết cũng giới thiệu cách mà Khoa Ngôn ngữ Anh – Đức, Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội đang hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập này.
1. Tâm lý sợ sai và thiếu tự tin khi giao tiếp
Khó khăn lớn nhất khi học một ngôn ngữ mới là tâm lý sợ sai và thiếu tự tin khi giao tiếp. Người học thường lo sợ mắc lỗi khi nói, sợ bị đánh giá hoặc không thể diễn đạt ý tưởng một cách rõ ràng và chính xác. Điều này dẫn đến việc người học thường né tránh giao tiếp và không dám thực hành, khiến quá trình học trở nên khó khăn và chậm tiến bộ.
Giải pháp để khắc phục vấn đề này là người học cần chấp nhận sai sót như một phần tự nhiên trong quá trình học ngôn ngữ. Việc tạo ra môi trường luyện tập không có áp lực là rất quan trọng, ví dụ như tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh, thực hiện các hoạt động đóng vai (role-play) trong lớp học hoặc sử dụng phương pháp shadowing (lặp lại lời người bản ngữ) để tăng cường phản xạ. Tại Khoa Ngôn ngữ Anh – Đức, sinh viên được khuyến khích sử dụng tiếng Anh trong các buổi thuyết trình trên lớp, hoạt động nhóm và các buổi ngoại khóa “Săn Tây” tại các địa điểm nổi tiếng ở Hà Nội, tạo cơ hội để luyện tập và tự tin hơn khi giao tiếp.
2. Thiếu môi trường thực hành thường xuyên
Một khó khăn khác là việc thiếu môi trường thực hành thường xuyên. Khi người học chỉ tập trung vào lý thuyết mà không có cơ hội áp dụng kiến thức vào thực tế, kiến thức dễ bị quên và kỹ năng giao tiếp kém hiệu quả. Điều này khiến người học cảm thấy ngôn ngữ không thực sự hữu ích và không có động lực để tiếp tục.
Để khắc phục vấn đề này, người học cần chủ động tạo ra cơ hội để tiếp xúc với ngôn ngữ qua các phương tiện truyền thông, chẳng hạn như xem phim có phụ đề song ngữ, nghe podcast hoặc các bản tin quốc tế hàng ngày. Bên cạnh đó, giao tiếp với người bản ngữ qua các nền tảng như HelloTalk hay Tandem là một cách tuyệt vời để luyện tập. Tại Khoa Ngôn ngữ Anh – Đức, sinh viên có cơ hội giao lưu với tình nguyện viên nước ngoài là người bản xứ thường xuyên trong các buổi học. Ngoài ra, các bạn sinh viên khi đi thực tập còn có cơ hội thực chiến làm việc và giao tiếp bằng Tiếng Anh với khách nước ngoài hàng ngày. Không những giúp các bạn cải thiện kỹ năng thực hành tiếng mà còn là cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp tuyệt vời.
3. Khó ghi nhớ từ vựng và cấu trúc ngữ pháp phức tạp
Việc học một lượng từ vựng lớn và các cấu trúc ngữ pháp phức tạp là thử thách lớn đối với người học ngôn ngữ, đặc biệt là những người mới bắt đầu. Lượng thông tin cần ghi nhớ quá lớn khiến cho người học dễ bị quá tải và cảm thấy khó khăn khi áp dụng vào thực tế.
Giải pháp cho vấn đề này là học từ vựng theo cụm từ và trong ngữ cảnh cụ thể, ví dụ như “make a decision” hoặc “go on a trip” thay vì học từ đơn lẻ. Ngoài ra, người học có thể sử dụng các công cụ học thông minh như ứng dụng Anki (học theo phương pháp lặp lại ngắt quãng), sơ đồ tư duy, flashcards hoặc quiz tương tác. Việc thực hành viết và nói ngay sau khi học từ vựng và cấu trúc ngữ pháp sẽ giúp củng cố kiến thức lâu dài.
4. Thiếu động lực và kế hoạch học tập rõ ràng
Khi không thấy sự tiến bộ rõ rệt, không có mục tiêu học tập cụ thể những bạn học ngoại ngữ thường nản lòng hoặc bỏ cuộc. Đây là tình trạng chung của rất nhiều người học, dẫn đến mãi không “giỏi Tiếng Anh” được và mất niềm đam mê học ngoại ngữ.
Để vượt qua trở ngại này, người học cần đặt ra các mục tiêu học tập rõ ràng, chia thành các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Ví dụ, trong một tháng có thể hoàn thành 10 chủ đề giao tiếp cơ bản hoặc trong sáu tháng đạt điểm TOEIC 600+. Việc theo dõi tiến trình học tập qua nhật ký học tập hoặc ứng dụng như Trello, Notion sẽ giúp người học nhận ra sự tiến bộ của mình.
5. Chọn sai phương pháp học
Chọn sai phương pháp học là một rào cản lớn mà nhiều người học ngôn ngữ gặp phải. Mỗi người học có một phong cách học tập riêng biệt, và khi áp dụng phương pháp học không phù hợp, người học sẽ mất nhiều thời gian mà không đạt được kết quả như mong đợi.
Giải pháp cho vấn đề này là người học cần thử nghiệm các phương pháp học khác nhau để tìm ra phương pháp học phù hợp với bản thân. Việc kết hợp nhiều phương pháp học, như học qua hình ảnh, nghe – nhìn, vận động hoặc ghi chú sẽ giúp tăng hiệu quả học tập. Hơn nữa, việc học qua trò chơi hoặc sử dụng các ứng dụng học ngôn ngữ cũng là một phương pháp thú vị và hiệu quả.