Khoa Ngôn ngữ Trung Quốc
Tìm Hiểu Tết Cổ Truyền Trung Quốc
Giống như Việt Nam, Trung Quốc cũng có tết cổ truyền vào mùa xuân. Tết là thời điểm đón năm mới với nhiều điều tốt lành. Người Trung Quốc coi ngày tết cổ truyền là ngày lễ lớn nhất, vì vậy mọi hoạt động ngày tết đều rất được coi trọng. Vậy người Trung Quốc đón tết như thế nào? Món ăn truyền thống của họ có phải là bánh chưng như Việt Nam chúng ta? Và ngày tết người Trung Quốc kiêng kị những gì? Hôm nay Khoa Ngôn ngữ Trung Quốc sẽ cùng các bạn tìm hiểu tết cổ truyền Trung Quốc nhé!
1. Thời gian
Tết Nguyên Đán là ngày tết âm lịch dài nhất và quan trọng nhất ở Trung Quốc, thường kéo dài từ ngày 8 tháng 12 âm lịch đến ngày 15 tháng giêng âm lịch. Tết đánh dấu sự kết thúc của mùa đông và khởi đầu mùa xuân mới. Tết được tính từ ngày đầu tiên của tháng âm lịch đầu tiên- ngày Chính (Chánh Nguyệt-正月-Zhēng Yuè) và kết thúc vào ngày tổ chức lễ hội đèn lồng rằm tháng giêng (Tết Nguyên tiêu). Đêm giao thừa của Trung Quốc, ngày dành cho sum họp gia đình, được gọi là đêm Trừ Tịch.
2. Các hoạt động trong ngày tết
2.1. Các món ăn truyền thống ngày tết
Cũng giống như bánh Chưng là món ăn truyền thống của dân tộc Việt Nam, ngày Tết ở Trung Quốc có một món ăn không thể thiếu đó là sủi cảo ( 饺子). Trong tiếng Hán, chữ bánh sủi cảo có bộ “giao” mang ý nghĩa thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.Người Trung Quốc có tục trước đêm giao thừa, cả nhà ngồi quây quần gói sủi cảo, sau đó cả nhà cùng ăn bữa cơm đêm giao thừa.
Ngoài sủi cảo, các món ăn khác cũng rất phổ biến như bánh tổ (Nian Gao) được làm từ gạo nếp loại tốt, cùng với đường và một chút gừng tươi. Theo tiếng Trung, “Gao” là bánh, “Nian” là chất dính, nghĩa là bánh nếp, bánh dính, mọi người dùng món bánh này với mong ước các thành viên trong gia đình lúc nào cũng luôn kết dính, gắn bó với nhau bền vững.
Một điều thú vị là phiên âm Nian Gao còn mang ý nghĩa chỉ sự thịnh vượng, tiến bộ, luôn đi lên. Đó cũng chính là mong ước của mọi người trong năm mới. Trong số các loại bánh ngọt truyền thống của Trung Quốc, Nian Gao có lẽ là loại lớn nhất, đặc biệt phổ biến trong dịp năm mới. Chiếc bánh này không thể thiếu trong mâm cỗ truyền thống của người Trung Quốc. Bánh Nian Gao cũng là món quà tặng phổ biến trong dịp năm mới.
Hoành thánh cũng là món ăn truyền thống của người Trung Quốc, ăn bánh hoành thánh trong năm mới sẽ có ý nghĩa là “đầu tiên”.
Ăn mì sẽ có ý nghĩa là “trường thọ”. Nếu ai đã từng đón tết ở Trung Quốc thì không thể không biết đến món mì Trường Thọ.
Nhìn chung các món bánh truyền thống đều mang những ý nghĩa khác nhau với hy vọng gia đình sẽ mừng đón được nhiều điềm lành trong năm tới. Bữa cơm sum họp bên người thân, gia đình với mâm cơm truyền thông là nét đẹp không thể thiếu trong đêm giao thừa của người Trung Quốc.
2.2. Các hoạt động ngày tết
Trước khi đón tết, người Trung Quốc sẽ dọn dẹp nhà cửa, lau chùi hết bụi bặm trong nhà với mong muốn mọi điều không hay của năm cũ sẽ bị loại bỏ, chuẩn bị để đón một năm mới với nhiều điều tốt lành hơn.
Sau khi lau dọn nhà cửa, người Trung Quốc còn có một hoạt động hết sức đặc biệt, đó là treo câu đối đỏ và treo đèn lồng trước cửa. Họ quan niệm rằng những câu đối đỏ mang ý nghĩa chúc tụng sẽ đem đến may mắn, niềm vui cho gia đình.
Cũng có gia đình dán chữ phúc ngược trước cửa sổ, trên tường.Treo đèn lồng không chỉ giúp tăng thêm màu sắc ngày tết mà còn có ý nghĩa thắp lên những điều may mắn, thể hiện sự tỏa sáng.
Nói đến tết thì không thể không nhắc đến pháo hoa. Người Trung Quốc cũng như người Việt Nam quan niệm rằng tiếng pháo hoa có thể xua tan tà khí, đuổi ma quỷ. Vì vậy vào thời khắc giao thừa 12h đêm, người Trung Quốc sẽ đốt pháo hoa, thể hiện một năm mới phồn vinh, thịnh vượng, vừa có thể xua đi những điều không may mắn của năm cũ.
3. Người Trung Quốc kiêng kị gì vào dịp tết?
- Vào ngày mồng 1 tết, người Trung Quốc sẽ không quét nhà, vứt rác. Họ cho rằng ngay ngày đầu năm mới đã quét nhà là coi như quét may mắn của năm mới, vứt rác là vứt của cải của năm mới đi.
- Không giặt giũ và không gội đầu. Người Trung Quốc cũng được khuyên không nên gội đầu vào ngày đầu tiên của năm mới âm lịch. Trong ngôn ngữ Trung Quốc, tóc có phát âm giống “fā” trong “fācái” (nghĩa là “phát tài”). Do đó, việc gội đầu được cho là sẽ rửa trôi đi may mắn. Hơn nữa theo quan niệm của người Trung Quốc, mọi người không nên giặt quần áo vào ngày mùng 1 và mùng 2 vì đây là hai ngày kỷ niệm ngày sinh của Thần Nước.
- Không nói tục chửi bậy, vay tiền, đòi tiền vào ngày đầu năm mới, như vậy sẽ bị coi là cả năm không may mắn.
- Không nên ăn cháo vào buổi sáng ngày đầu năm mới. Người Trung Quốc cho rằng chỉ có người nghèo mới ăn cháo. Hơn nữa vì quan niệm Phật giáo nên ngày đầu năm mới họ cũng không sát sinh và không ăn thịt. Tất nhiên cũng có những gia đình ăn thịt tùy theo quan điềm tôn giáo của họ.
Như vậy ngày tết của người Trung Quốc có điểm giống mà cũng có điểm khác với tết của người Việt Nam. Ngày tết là thời gian sum họp gia đình, thể hiện sự đoàn kết gắn bó. Tiếng Trung Thượng Hải hi vọng những thông tin trên sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về văn hóa Trung Quốc. Chúc các bạn học tiếng Trung thật hiệu quả!