Khoa Du lịch - Dịch vụ
Có nên học Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành
Chương trình học hấp dẫn
Bên cạnh những môn học đại cương ngán ngẫm với dằn dặt những kiến thức không mấy liên quan đến ngành nghề, hầu hết sinh viên theo học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (QTDVDL&LH) đều tỏ ra hào hứng vì những môn học chuyên ngành thú vị như thực hành hướng dẫn viên du lịch, thực hành thiết kế tour, học về tâm lý du khách.
Đặc biệt, việc tham gia vào các chuyến đi thực tế là các tour du lịch đến các địa điểm nổi tiếng trong nước, trực tiếp lắng nghe và học hỏi cách dẫn đoàn, thuyết minh, giải quyết sự cố của các anh chị trong ngành; tham gia các trò chơi teambuilding đội nhóm… không chỉ là những trải nghiệm đáng nhớ của thời sinh viên, mà còn giúp bạn bước đầu làm quen với công việc thực tế sau ra trường.
Tiềm năng nghề nghiệp rộng mở
Có thể khẳng định rằng, du lịch Việt Nam đang phát triển bùng nổ trong những năm gần đây và nhất định sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai khi mà lượng khách du lịch đến Việt Nam ngày một tăng, nhu cầu du lịch và sử dụng dịch vụ du lịch ngày càng cao kéo theo sự đổi mới, hoàn thiện và mở mới nhiều dịch vụ, tour tuyến, nhà hàng, khách sạn mới phục vụ tối đa nhu cầu của khách du lịch.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, dự kiến đến năm 2020, nhóm ngành du lịch - khách sạn sẽ tạo ra khoảng 3.000.000 việc làm cho người lao động, tương đương với chừng ấy nhu cầu nhân sự cho từng ngành nghề tương ứng. Đây là cơ hội cực kỳ tốt cho những bạn theo học ngành QTDVDL&LH trong việc tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp. Tuy nhiên, để tìm việc thành công, ứng viên dĩ nhiên phải đáp ứng được những yêu cầu tuyển dụng cụ thể, bao gồm cả kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ. Do đó, việc lựa chọn môi trường học, trường đào tạo uy tín là cực kỳ quan trọng, giúp trang bị những kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ thiết yếu và đặc biệt là tạo điều kiện để sinh viên được thực hành, tiếp xúc thực tế công việc sau này.
Đa dạng các vị trí việc làm sau tốt nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp ngành QTDVDL&LH có thể ứng tuyển vào 1 trong 2 vị trí đặc thù và phổ biến là:
+ Hướng dẫn viên du lịch quốc tế hoặc nội địa
+ Nhân viên thiết kế và điều hành tour tại công ty lữ hành
Ngoài ra, nếu muốn, bạn cũng có thể ứng tuyển vào bất kỳ doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch - khách sạn - nhà hàng nào tuyển dụng các vị trí nhân viên như: lễ tân, phục vụ, buồng phòng, bellman…; xin vào làm tại các Sở, ban, ngành về Du lịch; học nâng cao để làm giảng viên tại các trường Đại học, Cao đẳng, trường nghề chuyên đào tạo về du lịch; tự mở văn phòng tour để làm chủ…
Nhưng nhiều khó khăn và mức độ đào thải cao
Trở thành Hướng dẫn viên du lịch là định hướng rõ ràng nhất của sinh viên khi theo học QTDVDL&LH. Công việc này đòi hỏi bạn phải có sức khỏe tốt, chịu được áp lực công việc khi làm việc liên tục nhiều ngày liền để phục vụ khách đoàn trong các chuyến đi dài ngày – không có nhiều thời gian bên gia đình – không được ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ - đặc biệt, mức độ đào thải cực kỳ cao.
Một HDV yếu chuyên môn, kém nghiệp vụ chắc chắn sẽ không mang đến chuyến đi thú vị và ý nghĩa cho khách hàng, du khách sẽ phàn nàn và phản hồi lại phía công ty đại diện bán tour, dĩ nhiên, nếu không nỗ lực học hỏi để hoàn thiện hơn mỗi ngày thì việc bị đào thải sẽ sớm xảy ra. Ngược lại, những ai có tố chất và tạo được “thương hiệu” riêng sẽ “sống lâu” với nghề.
Ai phù hợp với ngành/ nghề QTDVDL&LH?
Cần khẳng định rằng “Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là ngành/ nghề chỉ dành cho những bạn trẻ năng động.” – Và, bạn phải là người tự tin, giỏi giao tiếp và xử lý tình huống gọn ghẽ; thích xê dịch, mê khám phá những điều mới, vùng đất mới; nhiệt tình, hướng ngoại, thích khẳng định bản thân trong lĩnh vực du lịch; kiên nhẫn, có trách nhiệm, chịu được áp lực cao; đặc biệt, thạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh…
Học ngành gì hay làm nghề gì cũng vậy, bạn nhất định phải yêu thích và mong muốn được khám phá, cống hiến và gắn bó lâu dài với nó thì mới mong đi xa cùng nhau được. Đừng chọn ngành/ nghề theo định hướng của người khác, hãy tự nghĩ đến sở thích và điều kiện của bản thân – nhu cầu của xã hội để đưa ra quyết định lựa chọn đúng và phù hợp nhất.
Chúng tôi không khẳng định hay khuyên bạn nhất định phải theo học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành – chỉ đưa ra những giá trị bạn có thể nhận được khi theo học ngành đó và sau khi ra trường. Hy vọng, những thông tin bài viết cung cấp đã giúp bạn giải đáp thắc mắc khi tìm hiểu về ngành học, tự đánh giá các mặt được - mất để xem “có nên học Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành” không.