Khoa Du lịch - Thương mại
Khác biệt về tâm lý mua hàng của khách hàng nam và nữ?
Nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng là một bước vô cùng quan trọng trong Marketing. Các bạn hãy cùng sinh viên trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội - FTC nghiên cứu sự khác biệt về tâm lý mua hàng của khách hàng là nam giới và nữ giới nhé!
Tại bất kỳ thời điểm nào con người cũng có nhu cầu. Một số nhu cầu có nguồn gốc sinh học như đói, khát. Một số nhu cầu khác có nguồn gốc tâm lý, chúng nảy sinh từ những trạng thái căng thẳng về tâm lý như nhu cầu được thừa nhận, được kính trọng hay được gần gũi về tinh thần. Việc thoả mãn nhu cầu có thể làm giảm bớt căng thẳng. Đối với người mua hàng cũng vậy đôi khi nhu cầu cũng có thể phát sinh ngẫu hứng, từ những tác nhân kích thích bên ngoài.
1. Sự khác nhau giữa nam và nữ trong hành vi mua hàng được thể hiện ở một số điểm sau:
- Đối với khách hàng là nam giới:
+ Khi mua hàng nam giới thường quyết định nhanh hơn phụ nữ, khi nam giới tìm thấy sản phẩm ưng ý họ sẽ mua ngay và thường không đi xem thêm các sản phẩm khác. Họ ít mặc cả và không lựa chọn tỉ mỉ, chi tiết, không cầu kỳ về kiểu dáng, màu sắc… vì thế họ chọn lựa rất nhanh.
+ Nam giới rất thích sự cố vấn, khuyên nhủ của người bán trong mua sắm, do họ ít hiểu biết về các hàng hóa thiết yếu hoặc quần áo, giầy dép. Nếu được người bán hàng quan tâm, dẫn dắt, giới thiệu sản phẩm cho thì họ ra quyết định mua hàng nhanh chóng hơn. Nam giới thường khó từ chối mua hàng nếu gặp những người bán hàng niềm nở và nhiệt tình.
+ Nam giới thường tìm những lời khuyên từ người bán hàng khi mua hàng và họ rất tin tưởng vào những lời giới thiệu này.
+ Nam giới thường chú ý đến chất lượng trước so với giá cả, do đó nam giới thường ít bị ảnh hưởng hơn so với phụ nữ trước các hình thức giảm giá.
+ Nam giới thường thích chạy theo cái mới đối với những mặt hàng công nghệ và xa xỉ như máy tính, điện thoại, xe hơi… và ít chạy theo cái mới đối với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như quần áo, giày dép…
+ Nam giới thường mua hàng theo lý trí, họ ít bị tác động của hoàn cảnh hoặc tình huống. Trước khi mua hàng, nam giới thường suy nghĩ, cân nhắc và đưa ra quyết định mua sắm từ nhà, vì thế khi đến cửa hàng họ thực hiện quyết định đó bằng được.
- Đối với khách hàng là nữ giới:
+ Khi mua hàng nữ giới quyết định lâu hơn là nam giới, khi họ chọn được một sản phẩm ưng ý thì họ vẫn chưa mua ngay mà vẫn đi xem các sản phẩm khác.
+ Phụ nữ có hiểu biết và tìm hiểu về sản phẩm kỹ hơn nam giới nên họ thường không để những lời giới thiệu của nhân viên bán hàng ảnh hưởng quá lớn tới quyết định mua hàng của họ.
+ Phụ nữ thường chú ý đến giá cả, họ đặc biệt chú ý tới các mặt hàng giảm giá.
+ Phụ nữ thường chạy theo cái mới đối với những mặt hàng thiết yếu như quần áo, giày dép, mỹ phẩm… và ít chạy theo cái mới đối với những mặt hàng công nghệ và xa xỉ như máy tính, điện thoại…
+ Phụ nữ cũng thường đặt ra các yêu cầu cao hơn đối với các sản phẩm cho người bán hàng.
2. Cách định vị sản phẩm theo đặc trưng giới tính của các nhãn hàng hiện nay?
- Xác định những gì khách hàng của bạn muốn và cần tùy theo sở thích và giới tính. Nghiên cứu để xem liệu khách hàng có vấn đề gì cần giải pháp hay không.
- Lắng nghe nhu cầu của người dùng và coi trọng những nhu cầu đó là mấu chốt để thu hút sự chú ý và lòng trung thành của khách hàng.
- Lập ra các kênh hoặc nhóm bán hàng để tìm hiểu nhu cầu, sở thích của từng khách hàng. Từ đó bạn có thể nhận thông tin như hồ sơ khách hàng, vấn đề của khách hàng, thông tin cạnh tranh và quy trình mua hàng của khách hàng nam hay nữ và từ đó cải thiện chiến lược định vị sao cho phù hợp nhất.
- Nếu mục tiêu nhãn hàng hướng tới là khách hàng nữ thì: có thể tiếp cận bằng cách gửi email marketing, thường xuyên tung ra các phiếu/mã giảm giá… Và họ thường xem quảng cáo nhiều nhất vào khung giờ 8h-11h mỗi tối.
- Nếu mục tiêu nhãn hàng hướng tới là khách hàng nam thì: Họ thích những kết quả tìm kiếm nhanh khi cần, chạy quảng cáo Google Ads… Họ thường mua sắm vào ban ngày và họ sẽ quyết định mua hàng ngay nếu sản phẩm đó thoả mãn những yêu cầu về kĩ thuật, nguyên liệu họ cần.
- Nghiên cứu về ngoại cảnh: thị trường, đối thủ cạnh tranh, nhu cầu khách hàng từ đó rút ra cơ hội và thách thức của doanh nghiệp.
- Các nhà tiếp thị có thể đưa ra những chiến lược quảng cáo, bán hàng phù hợp với khách hàng mục tiêu.
Các định vị sản phẩm theo đặc trưng giới tính của các hãng hiện nay như sau:
- Owen: Là thương hiệu thời trang nam công sở. Với các sản phẩm đa dạng về màu sắc, thiết kế, pha phối… Chất liệu sản phẩm được Owen ưu tiên hàng đầu và với cam kết bền vải, bền màu, không gây hại cho da. Tùy theo sở thích, đặc điểm, kiểu dáng khách hàng nam có thể lựa chọn.
- Việt Tiến: Là một thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao chuyên cung cấp các trang phục cho nam giới. Sản phẩm của thương hiệu này được đánh giá là khá hợp với túi tiền, chất liệu thân thiện với môi trường, đa dạng về mẫu mã kiểu dáng, phù hợp với nhu cầu của phái mạnh.
- K&K Fashion: là một trong những thương hiệu được nữ giới yêu thích. Với mức giá bình dân nhưng chất lượng và thiết kế rất tốt, những sản phẩm của K&K vẫn tôn lên được vẻ sang trọng và quý phái của người phụ nữ. Với các chi tiết được cắt may cầu kì, tỉ mỉ, chất liệu đa dạng từ voan, lụa… tạo cho người mặc cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát nên được khá nhiều chị em phụ nữ lựa chọn./.