Khoa Ngôn ngữ Nhật Bản - Hàn Quốc

Những bức thư được gửi theo mùa- Góc nhỏ trong thư tín tiếng Nhật.

Người Nhật từ lâu đã dành cho thiên nhiên một sự ưu ái đặc biệt. Thiên nhiên là nguồn cảm hứng bất tận trong thi ca, hội họa, len lỏi vào những khía cạnh nhỏ nhất của cuộc sống hàng ngày, từ cách sắp xếp không gian sống đến các lễ hội mang đậm dấu ấn thời gian. Thiên nhiên còn là mạch nguồn cảm xúc, thấm đẫm trong từng trang thư truyền thống. Sự chuyển mình của thiên nhiên có ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống thường nhật của người dân xứ Phù Tang, và được phản ánh trong những lá thư viết theo mùa. Đầu thư thường bắt đầu bằng những lời thăm hỏi trang nhã, khéo léo đan cài hình ảnh thiên nhiên, thời tiết, như một nhịp cầu gắn kết con người với dòng chảy hài hòa của đất trời.

Người Nhật từ lâu đã duy trì thói quen gửi thư vào những thời điểm đặc biệt trong năm, như giữa mùa hè và giữa mùa đông. Thiệp chúc mùa hè thường được gửi từ ngày 20/7 đến cuối tháng 8, trong khi thiệp chúc mùa đông thường được gửi từ ngày 6/1 đến khoảng ngày 20/1. Những lá thư gửi theo mùa này luôn mang đậm tính truyền thống với sự xuất hiện của các cụm từ quy ước. Chẳng hạn, trong thư gửi vào mùa hè, người ta thường sử dụng những cụm từ quen thuộc như:

暑中見舞い: sự hỏi thăm đối phương trong mùa hè.

暑中御見 げます: Lời chào mùa hè và những lời chúc tốt đẹp nhất.

残暑御見舞げます : Tôi gửi đến ông/bà lời thăm hỏi vào những ngày cuối hè.

Những bức thư gửi vào mùa đông sẽ thấy xuất hiện một số cụm từ quy ước như:

寒中見舞: Lời chúc mùa đông

寒中御見舞げます: Tôi gửi đến bạn lời hỏi thăm mùa đông giá lạnh.

Bên cạnh những lá thư thăm hỏi gửi vào giữa mùa hè và mùa đông, nếu người Nhật viết thư vào các thời điểm khác trong năm, lời thăm hỏi đầu thư vẫn thường nhắc đến đặc trưng của mùa mà bức thư được viết. Những lời mở đầu này có thể được phân thành bốn nhóm tương ứng với bốn mùa: xuân, hạ, thu, và đông. Mỗi mùa lại đi kèm với các từ khóa miêu tả thời tiết đặc trưng hoặc những cách diễn đạt ước lệ tinh tế, cụ thể như sau:

Mùa xuân: Các từ khóa thường gặp như 立春 (lập xuân), 節分 (ngày trước lập xuân), 若草 (cỏ non)... thường xuất hiện trong những câu như:

  • 立春とは名ばかりで、寒い日が続いておりますが
    (Mặc dù đã lập xuân nhưng những ngày lạnh giá vẫn kéo dài.)

Mùa hạ: Các từ khóa như 猛暑 (nóng bức), 入梅 (đầu mùa mưa), 梅雨 (mùa mưa)... thường được sử dụng trong các câu:

  • うっとうしい梅雨に入りました
    (Đã bước vào những ngày mưa buồn tẻ.)

Mùa thu: Các từ như 紅葉 (lá vàng), 初秋 (vào thu), (hoa cúc)... thường xuất hiện trong những câu như:

  • すっかり秋らしくなってまいりましたが
    (Trời đã hoàn toàn vào thu.)

Mùa đông: Những từ như 寒気日 (ngày giá buốt), 寒冷 (rét lạnh)... thường xuất hiện trong các câu:

  • 寒気日ましに厳しい毎日ですが
    (Tiết trời lạnh ngày càng khắc nghiệt.)

Tóm lại: Những bức thư được gửi theo mùa không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là một góc nhỏ tinh tế phản ánh văn hóa và tâm hồn người Nhật. Qua những lời thăm hỏi khéo léo đan cài hình ảnh thiên nhiên, người Nhật đã thể hiện sự trân trọng đối với bốn mùa và mối giao hòa sâu sắc với đất trời. Đây không chỉ là nét đẹp trong thư tín mà còn là bài học về cách con người kết nối với nhau qua những giá trị giản dị, chân thành, và đầy thi vị.

Các bài viết khác

(024) 6292 8282
(024) 6292 8282 089 983 3579