Khoa ngôn ngữ Anh - Đức
Tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa và biểu tượng của ngày Lễ Giáng Sinh
Chắc hẳn bạn đã từng nghe nhiều về Lễ Giáng sinh. Dịp lễ này có nhiều tên gọi khác nhau chẳng hạn như là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Noel, Christmas hay Xmas từ tiếng Pháp Noël, là viết tắt từ gốc Emmanuel. Bên cạnh tên gọi đặc biệt, ngày này còn là một lễ tôn giáo lớn, một sự kiện văn hóa toàn cầu. Hôm nay các bạn cùng thầy cô Khoa Ngôn ngữ Anh Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc, ý nghĩa và các biểu tượng của ngày Lễ Giáng Sinh nhé.
1. Nguồn gốc ngày Lễ Giáng Sinh
Trong những thế kỷ đầu tiên của Công nguyên, Giáo hội Cơ Đốc sơ khai tổ chức lễ Giáng Sinh cùng với lễ Hiển linh. Tuy nhiên, vào năm 200, thánh Clêmentê Alexandria đã nhắc đến một lễ đặc biệt diễn ra ngày 20 tháng 5, trong khi Hội thánh La tinh chọn ngày 25 tháng 12 để mừng kính.
Ban đầu, tín hữu Cơ Đốc không ăn mừng sinh nhật, kể cả của Đức Jesus, vì cho rằng việc này bắt nguồn từ thói quen của dân ngoại đạo thời thần tượng. Vì vậy, lễ Giáng Sinh chưa được tổ chức trong ba thế kỷ đầu. Đến thế kỷ IV, người Cơ Đốc muốn ăn mừng sự kiện này nhưng lo ngại bị chính quyền La Mã bắt bớ, vì Cơ Đốc giáo khi đó chưa được công nhận hợp pháp.
Người La Mã thường tổ chức lễ “Thần Mặt trời” vào ngày 25 tháng 12 để tôn vinh ánh sáng. Nhằm tránh sự chú ý, tín hữu Cơ Đốc đã chọn cùng ngày này để kỷ niệm Chúa Jesus – người được xem là mang ánh sáng và sự sống đến cho nhân loại. Nhờ vậy, chính quyền La Mã không phát hiện việc cử hành lễ Giáng Sinh.
Năm 312, Hoàng đế Constantine từ bỏ Đa Thần giáo, theo Cơ Đốc giáo và thay thế ngày lễ “Thần Mặt trời” bằng lễ mừng sinh nhật Đức Jesus. Đến năm 354, Giáo hoàng Liberius chính thức công bố ngày 25 tháng 12 là lễ Giáng Sinh.
Mặc dù lễ Giáng Sinh được công nhận trong nhiều thế kỷ, nhưng đến thế kỷ 18, một số học giả đưa ra cách giải thích khác. Isaac Newton cho rằng ngày này liên quan đến đông chí ở Bắc bán cầu, vốn được đánh dấu là 25 tháng 12. Vào năm 1743, Paul Ernst Jablonski lập luận rằng ngày Giáng Sinh được chọn để khớp với lễ Sol Invictus trong tôn giáo La Mã cổ.
2. Ý nghĩa của ngày Lễ Giáng Sinh
Lễ Giáng Sinh không chỉ đơn thuần là ngày lễ tôn giáo. Đây còn là dịp để mỗi người sum họp gia đình, sẻ chia yêu thương và nhìn lại một năm đã qua. Bên cạnh những buổi cầu nguyện tại nhà thờ, mọi người thường trang trí cây thông, trao nhau những món quà và gửi lời chúc tốt đẹp.
Đặc biệt, Giáng Sinh cũng là cơ hội để lan tỏa thông điệp hòa bình và lòng nhân ái. Đây là dịp để chúng ta quan tâm, chia sẻ với những người kém may mắn, mang lại niềm vui và sự ấm áp cho họ.
3. Biểu tượng quen thuộc của Giáng Sinh
Cây thông Noel
Cây thông Noel, biểu tượng của sự sống vĩnh cửu, xuất hiện từ thế kỷ 16 tại Đức. Với khả năng tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt, cây thông trở thành trung tâm của lễ hội. Ngày nay, mọi người trang trí cây thông bằng đèn lấp lánh, quả châu và những món đồ thủ công, tạo nên không khí ấm áp và vui tươi.
Ông già Noel
Ông già Noel, hay Santa Claus, có nguồn gốc từ Thánh Nicholas – một người nổi tiếng vì lòng hào phóng và tình yêu trẻ em. Hình ảnh ông già với bộ đồ đỏ, túi quà lớn và chiếc xe tuần lộc đã trở thành biểu tượng quen thuộc, mang niềm vui đến cho trẻ em trên toàn thế giới.
Vòng lá mùa Vọng
Vòng lá mùa Vọng với bốn cây nến tượng trưng cho hy vọng, tình yêu và ánh sáng. Đây là biểu tượng tôn giáo ý nghĩa, nhắc nhở mọi người về sự xuất hiện của Chúa Jesus – Đấng Cứu Thế.
Ngôi sao Giáng Sinh
Ngôi sao năm cánh được treo trên đỉnh cây thông hoặc nhà thờ, gợi nhớ đến ngôi sao dẫn đường ba vua đến Bethelem để tôn kính Chúa Hài Đồng. Ánh sáng rực rỡ của ngôi sao tượng trưng cho phép lạ và niềm tin mãnh liệt.
Hang đá và máng cỏ
Hang đá và máng cỏ là biểu tượng gắn liền với câu chuyện Chúa sinh ra tại Bethelem. Các giáo đường thường dựng hang đá để tưởng nhớ giây phút linh thiêng này. Đây cũng là nơi mọi người cầu nguyện cho một năm mới an lành.
Trải qua hàng thế kỷ, Giáng Sinh đã vượt ra khỏi phạm vi tôn giáo, trở thành lễ hội chung của nhân loại. Mỗi quốc gia có cách tổ chức khác nhau, nhưng tất cả đều chung một ý nghĩa: yêu thương, sẻ chia và hy vọng. Hãy để mùa Giáng Sinh là cơ hội để chúng ta gắn kết với gia đình, bạn bè và cộng đồng. Dù là những món quà nhỏ bé hay lời chúc đơn giản, tất cả đều mang theo thông điệp yêu thương, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Chúc bạn một mùa Giáng Sinh an lành và tràn đầy niềm vui!