Nghiên cứu - Trao đổi

Nhận diện những nguy cơ tiềm ẩn của cuộc “cách mạng sắc màu” trên thế giới, việt nam hiện nay và những giải pháp phòng, chống nó của sinh viên việt nam nói chung và sinh viên Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội (FTC) nói riêng

1. Đặt vấn đề

Cách mạng sắc màu với những tên gọi khác nhau như: Cách mạng cam, cách mạng nhung, đường phố, hoa hồng, hoa nhài, hoa tulip, hạt dẻ, quả mơ ... diễn ra ở Châu Âu, Trung Đông, Bắc Phi, trong thời gian qua và những diễn biến Chính trị tại Philippin, Thái Lan, Campuchia, Mianmar, Indonesia, Venezuela, Bangladesh... đã cho thấy bản chất nguy hiểm từ sự can dự của các thế lực thù địch phản động vào tình hình nội bộ các nước có chủ quyền, gây ra bất ổn chính trị kéo dài, ly khai dân tộc nhằm tìm cách thay thế chính quyền hiện tại, xây dựng Chính quyền thân Mỹ và phương Tây. Hiện tượng “Cách mạng sắc màu” từ thế giới đã lây lan sang Việt Nam với rất nhiều biểu hiện, nguy cơ khác nhau. Câu hỏi đặt ra là: Việt Nam chúng ta cần nhận diện những nguy cơ tiềm ẩn của cuộc “cách mạng sắc màu” như thế nào? Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp Sinh viên, học sinh cần nhận thức, có giải pháp gì để ngăn ngừa những âm mưu, thủ đoạn thực hiện “cách mạng sắc màu” ở Việt Nam? Bài viết này sẽ tập trung giải quyết những vấn đề nêu trên.

PGS.TS. Đinh Công Tuấn Trưởng Khoa Ngôn ngữ Trung Quốc

2. “Cách mạng sắc màu”: bản chất, âm mưu và hành động thủ đoạn của nó

2.1. Khái niệm

Cách mạng sắc màu, tiếng Anh là Colour Revolution. Đây là thuật ngữ chỉ ra cuộc bạo loạn chính trị có tổ chức, chính biến phi vũ trang ở quốc gia có chủ quyền nhằm lật đổ nhà nước đương nhiệm, gây ra khủng hoảng chính trị, đồng thời lập ra bộ máy cầm quyền mới của lực lượng đối lập được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn. Đó là chiến lược toàn cầu của Mỹ sử dụng những phương thức, thủ đoạn điển hình là sự phản đối quy mô lớn bằng biện pháp phi bạo lực nhằm mục đích thay đổi chế độ đang tồn tại để thiết lập một chính phủ thân Mỹ và phương Tây kể từ thời kỳ hậu chiến tranh lạnh đến nay.

2.2. Lực lượng tham gia và các hoạt động

Các đối tượng của “cách mạng sắc màu” là các đảng phái, lực lượng chính trị đối lập trong nước hình thành từ các trào lưu “dân chủ hóa xã hội”, hoặc nảy sinh, phát triển từ mâu thuẫn, phân hóa, phân lập từ nội bộ đảng, chính phủ cầm quyền. Lãnh tụ phe đối lập thường là những người bất mãn, cơ hội chính trị, thậm chí được phe phái phản cách mạng từ nước ngoài nuôi dưỡng để thực hiện chính biến khi có thời cơ thuận lợi. Các thế lực bên ngoài là kẻ khởi xướng, định hướng, kích động, thúc đẩy, vạch kế hoạch, huấn luyện, tài trợ vật chất, ủng hộ tinh thần và phối hợp chặt chẽ với lực lượng trong nước tổ chức và tiến hành “cách mạng sắc màu”. Thế lực bên ngoài đóng vai trò “đạo diễn”, lực lượng trong nước giữ vai trò “thực thi”. Đây là một hiện tượng chính trị diễn ra thông qua nghị trường, đấu tranh chính trị (mít tinh, biểu tình, tuần hành...), dựa trên cơ sở những tiền đề trong một quốc gia, dân tộc có quan điểm, chủ trương trái với lợi ích của Mỹ và phương Tây; được hậu thuẫn từ lực lượng bên ngoài nước can thiệp một cách thô bạo, trắng trợn vào công việc nội bộ của nước đó, nhằm lật đổ chính quyền, hay sự cầm quyền của các đảng phái chính trị, để thay thế bằng đảng phái đối lập, nhằm ủng hộ lợi ích của Mỹ và phương Tây. Những tầng lớp khác nhau trong xã hội như trí thức, học sinh, công nhân, nông dân, tầng lớp thị dân v.v... đều có thể là đối tượng tham gia cuộc “cách mạng sắc màu”. Phần lớn trong số họ bị các thế lực phản động mua chuộc, kích động, xúi giục, vì lợi ích cá nhân trước mắt, dao động tư tưởng, nhiễm nặng tư tưởng phản cách mạng, a dua a tòng với những luận điệu lừa bịp, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sử dụng những thủ đoạn, cách thức đa dạng, phong phú, chủ yếu là lợi dụng các bài viết theo kiểu “bổn cũ soạn lại”, cắt ghép những video, clip, các bloger trên các báo chí nước ngoài, các trang mạng xã hội có tư tưởng xấu, chống phá cách mạng, đưa ra những luận điệu sai trái, thù địch, bóp méo, phủ nhận đường lối lãnh đạo của Đảng cầm quyền và nhà nước hợp pháp do nhân dân bầu ra. Họ công khai, âm thầm kêu gọi cải cách chính trị để tiến tới xây dựng một nền dân chủ đa nguyên, đa đảng, thiết lập quyền tự do phát ngôn, kêu gọi thiết lập báo chí tư nhân, tạo lập đảng phái, lập hội, phi chính trị hóa các lực lượng vũ trang... Các hoạt động của Cách mạng sắc màu thường xảy ra như: Tuyên truyền kích động, hoạt động biểu tình, phá rối an ninh, trật tự xã hội, gây bạo loạn thông qua các sự kiện chính trị đất nước, lợi dụng các vấn đề xã hội phức tạp, nhạy cảm, tiến hành các hoạt động gây rối trật tự xã hội như: Tranh chấp, khiếu kiện, đình công, mít tinh, tuần hành...

Hoạt động tác động, chuyển hóa nội bộ, hình thành nhân tố chống đối từ bên trong, thúc đẩy “tự diễn biến” nội bộ. Bọn phản cách mạng đã lợi dụng đất nước hội nhập toàn diện với thế giới để tăng cường tiếp cận vào những vấn đề chính trị - xã hội nội bộ, thông qua các dự án, chương trình hợp tác với quốc tế để hiện thực hóa mục tiêu “dân chủ hóa” chính trị. Chúng sử dụng các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn kinh tế đầu tư nước ngoài để tìm cách tác động làm thay đổi chính sách, pháp luật, cải cách hành chính theo quỹ đạo dân chủ tư sản, tác động vào các cơ quan, báo chí truyền thông và đội ngũ phóng viên, định hướng theo cách làm báo phương Tây, thúc đẩy những giá trị tư do hóa phương Tây, hình thành “giá trị Mỹ”, “tự do phương Tây” để chuyển hóa tư tưởng giới trẻ, tạo đà xây dựng các lực lượng chính trị và tổ chức đối lập chống phá đường lối lãnh đạo của đảng cẩm quyền và nhà nước hợp pháp do người dân bầu ra. Chúng đã tác động phân hóa, xâm nhập, cài cắm cơ sở nội gián, in sao phát tán rộng rãi tài liệu với nội dung sai lệch, gây mất niềm tin chế độ, thay đổi lập trường, hình thành lực lượng chống đối từ nội bộ trong hệ thống chính trị.

2.3. Bản chất của cuộc cách mạng sắc màu

Bản chất cách mạng sắc màu là phản cách mạng, là phương thức, thủ đoạn của những thế lực phản động trong nước đi theo chủ nghĩa sô vanh nước lớn, sử dụng mọi hình thức, biện pháp, âm mưu phản động khác nhau để loại bỏ chính quyền các nước độc lập, tự chủ không đi theo quỹ đạo của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và phương Tây. Chúng lợi dụng những mâu thuẫn, khó khăn của đảng và chính quyền đương nhiệm để tạo ra nguy cơ chính trị, thông qua việc bầu cử tự do và “cách mạng đường phố” để lật đổ chính quyền hợp pháp, dựng lên chính quyền tay sai thân Mỹ và phương Tây.

Ở các nước xã hội chủ nghĩa và các nước có xu hướng đi lên chủ nghĩa xã hội thì chúng tìm mọi cách lật đổ và xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, lập đảng chính trị cầm quyền mới, đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Trong truyền thông phương Tây, cách mạng sắc màu được miêu tả rất hấp dẫn, giầu hứa hẹn là những cuộc cách mạng dân chủ và nhân quyền phổ biến, trong đó, người dân có quyền đòi hỏi trách nhiệm dân chủ và yêu sách đối với việc quản trị của chính quyền sở tại. Nhưng thực tế, “cách mạng sắc màu” là cuộc cách mạng mang tính chất mị dân, lừa dối phỉnh nịnh người dân, do người dân không giác ngộ được tính chất phản động của “cuộc cách mạng sắc màu” này, họ không được hưởng quyền lợi gì, thậm chí sau những cuộc “cách mạng sắc màu” là sẽ xảy ra các cuộc khủng hoảng chính trị, bất ổn xã hội kéo dài, mâu thuẫn giai tầng và dân tộc sâu sắc, nền kinh tế đất nước bị khủng hoảng, chậm phát triển, nghèo đói và thương vong gia tăng, “cách mạng sắc màu” đã đẩy đất nước rơi vào tình trạng bất định, bất ổn, hỗn loạn kéo dài. “Cách mạng sắc màu” thực chất là một bộ phận hợp thành của chiến lược “diễn biến hòa bình” với mục tiêu phá hoại nền độc lập của các quốc gia, dân tộc, nhằm củng cố vị trí siêu cường quốc số 1 thế giới của mình, chi phối, dẫn dắt và truyền bá lối sống, văn hóa, dân chủ, nhân quyền của Mỹ và phương Tây trên thế giới. Nó đã khống chế và tạo ảnh hưởng mạnh mẽ để thiết lập chính quyền chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Mỹ và phương Tây. Đối với các nước xã hội chủ nghĩa, mục tiêu của cuộc “cách mạng sắc màu” là lật đổ vai trò cầm quyền của đảng cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, lập ra đảng phái chính trị đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa do Mỹ và phương Tây định đoạt. Hiện nay, đối tượng của cuộc cách mạng sắc màu hết sức đa dạng, có thể diễn ra ở các nước có chế độ chính trị khác nhau, trong đó có Việt Nam chúng ta.

2.4. Các hoạt động trong thực tiễn của “cách mạng sắc màu”, trên thế giới và Việt Nam.

2.4.1 Trên thế giới

“Cách mạng sắc màu” với nhiều tên gọi khác nhau, được xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới với cuộc “cách mạng Vàng” ở Philippin từ năm 1983, “cách mạng Nhung” ở Tiệp Khắc năm 1989, “cách mạng đường phố” ở Nam Tư năm 2000, “cách mạng Nhung” ở Gruzia năm 2003, 2008, “cách mạng Cam” ở Ukraine năm 2004 và 2014, “cách mạng hoa Tulip” ở Kyrgyzstan năm 2005, “cách mạng Cây Tuyết Tùng” ở Libang năm 2005, “cách mạng Xanh” ở Iran năm 2009, “cách mạng hoa Nhài” ở Tuynidi năm 2010, “cách mạng Hoa Sen” ở Ai cập từ năm 2011, "cách mạng màu" ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi (còn gọi là "Mùa xuân Arập", xảy ra ở các nước: Libya, Syria, Algeria, Yemen, Maroc, Gioocdani, Arab Saudi, Oman, Iraq...), "Cách mạng Ô dù" ở Hồng Kông năm 2014... và những diễn biến chính trị xảy ra tại Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Indonesia, Venezuela, Bangladesh cho thấy bản chất nguy hiểm từ sự can dự của các thế lực thù địch phản động ở Mỹ và phương Tây vào tình hình nội bộ các quốc gia có chủ quyền nhằm gây ra bất ổn chính trị kéo dài, ly khai dân tộc và nhằm tìm mọi cách thay thế chính quyền ở các quốc gia sở tại[1]

2.4.2. Tại Việt Nam.

Sau khi các nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu bị sụp đổ (25/12/1991), đặc biệt từ khi Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng với thế giới (sau năm 1986), các thế lực thù địch ở trong, ngoài nước đã tăng cường hoạt động chống phá đường lối cải cách - mở cửa ngày càng sâu rộng và đổi mới toàn diện đất nước của Đảng và Nhà nước Việt Nam với những phương thức, thủ đoạn ngày càng thâm độc, qui mô to lớn, tác động tiêu cực đến đời sống an ninh chính trị, xã hội đất nước. Mục tiêu của chúng là xây dựng lực lượng, nhân tố, điều kiện và tạo ra thời cơ để tiến hành "cách mạng sắc màu" gây bạo loạn, xúi giục nhân dân biểu tình, kích động chống đối đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta, tìm mọi cách lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng không ngừng sử dụng chiến lược "diễn biến hòa bình" nhằm xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta, những biểu hiện của "cách mạng sắc màu" vì thế đã manh nha xuất hiện ở Việt Nam, có thể nhận diện một số thủ đoạn như: i) hoạt động tuyên truyền, phá hoại tư tưởng nhằm tạo tiền đề về tư tưởng, chính trị, xã hội cho một cuộc "cách mạng sắc màu" ở Việt Nam; ii) hoạt động tác động, chuyển hóa nội bộ, hình thành nhân tố chống đối từ bên trong, thúc đẩy tự diễn biến bên trong nội bộ; iii) hoạt động tạo dựng "ngọn cờ" và lực lượng nòng cốt cho "cách mạng sắc màu" tại Việt Nam[2]. Và các cuộc "cách mạng sắc màu" thường diễn ra theo lộ trình 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh vi nhằm đạt được mục tiêu lớn nhất là thiết lập được chính quyền thân Mỹ và phương Tây: i) Giai đoạn chuẩn bị, là giai đoạn tạo ra các điều kiện cần thiết để gây ra cuộc "cách mạng sắc màu": công cuộc mị dân, các thế lực thù địch tuyên truyền những luận điệu, tư tưởng sai trái nhằm hạ thấp uy tín, hình ảnh, thổi phồng các khuyết điểm, yếu kém của chính quyền đương nhiệm, đồng thời tô vẽ cho các nhân vật thuộc phe đối lập thành những người "anh hùng dân tộc mới" chắc chắn sẽ đem lại tự do, dân chủ, ấm no cho nhân dân; ii) Giai đoạn tiến hành, khi  bước đầu tiên của cuộc "cách mạng sắc màu" đã thành công, phe đối lập ở trong nước đã phối hợp với các thế lực thù địch ở nước ngoài tiến hành các kịch bản đã được xây dựng sẵn khi mọi điều kiện và thời cơ đã chín muồi; iii) Giai đoạn kết thúc "cách mạng sắc màu", sau giai đoạn tiến hành "cách mạng sắc màu", công việc cuối cùng của lực lượng đối lập là tiến hành kết thúc cách mạng. Phụ thuộc vào kết quả của cuộc cách mạng thành công, hay thất bại, lực lượng đối lập trong nước và các thế lực thù địch bên ngoài sẽ tiến hành những công việc mới phù hợp với tình hình [3].

Có thể nhận diện một số thủ đoạn tiến hành cách mạng sắc màu của các thế lực thủ địch, phản động trong và ngoài nước thường áp dụng ở Việt Nam trong thời gian vừa qua để hoạt động kích động, chống phá tại nước ta như sau: i) hoạt động tuyên truyền, phá hoại tư tưởng nhằm tạo tiền đề về tư tưởng, chính trị, xã hội cho một cuộc "cách mạng sắc màu"; ii) hoạt động tác động, chuyển hóa nội bộ, hình thành nhân tố chống đối từ bên trong, thúc đẩy "tự diễn biến" bên trong nội bộ; iii) hoạt động tạo dựng "ngọn cờ" và lực lượng nòng cốt cho "cách mạng sắc màu" ở Việt Nam. Riêng thủ đoạn này được thực hiện bằng các phương thức: tăng cường cử người xâm nhập về Việt Nam trực tiếp tiến hành hoạt động chống đối; lôi kéo, kích động người dân tham gia tổ chức và hoạt động chống đối; tổ chức đào tạo, huấn luyện các đối tượng chống đối trong nước nhằm tạo dựng "ngọn cờ" nòng cốt, từ đó tập dượt các kịch bản "cách mạng sắc màu" ở Việt Nam... Các vụ việc nổi cộm trong thời gian qua như: i) vụ gây rồi an ninh trật tự liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981; ii) vụ FORMOSA Hà Tĩnh; iii) vụ biểu tình phản đối "Luật an ninh mạng" và Dự thảo "Luật Đặc khu" tại Bình Thuận, Bình Dương; iv) gần đây nhất là vụ khủng bố do FVLRO lưu vong chỉ đạo vào ngày 11/6/2023 ở Tây Nguyên...Những dẫn chứng nêu trên đã cho thấy sự hiện diện của kế hoạch tạo dựng cuộc "cách mạng sắc màu" ở Việt Nam. Có thể thấy âm mưu, hoạt động thực hiện "cách mạng sắc màu" của các thế lực thù địch, phản động đối với Việt Nam là không thay đổi [4].

Rõ ràng, các thế lực thù địch, phản động luôn coi Việt Nam là trọng điểm thực hiện "diễn biến hòa bình", "cách mạng sắc màu" nhằm xóa bỏ chế độ XHCN mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn, hướng Việt Nam vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Chúng luôn tìm mọi cách xuyên tạc, chống phá, bôi nhọ chế độ ta "mất dân chủ" và kêu gọi muốn có "dân chủ thực sự" cần thực hiện cuộc "cách mạng sắc màu". Đây là luận điệu hết sức nguy hiểm. Bởi vậy, các cuộc "cách mạng sắc màu" trong thời gian gần đây đã tác động trực tiếp, gián tiếp đến chính trị, kinh tế, văn hóa - tư tưởng ở Việt Nam hiện nay: i) về mặt chính trị, các cuộc "cách mạng sắc màu" là nguy cơ hàng đầu, trực tiếp đe dọa đến sự tồn vong của chế độ ta. Diễn biến phức tạp của các cuộc "cách mạng sắc màu" khiến người dân hoang mang, ảnh hưởng trực tiếp đến sự lãnh đạo của Đảng và con đường xây dựng chế độ XHCN ở nước ta. Là quốc gia có vị trí địa - chính trị đặc biệt, "có được Việt Nam là có được Đông Nam Á", Việt Nam luôn nằm trong danh sách các quốc gia bị chi phối bởi các chính sách của các nước lớn, với từng mức độ khác nhau, trong đó có Mỹ và phương Tây, Trung Quốc và Nga. Là một trong số ít quốc gia đang tiếp tục con đường xây dựng XHCN, Việt Nam luôn là tâm điểm trong chiến dịch "toàn cầu phản cách mạng" của Mỹ. Con bài "dân chủ", "nhân quyền" đã, đang, sẽ tiếp tục được Mỹ, phương Tây sử dụng để can thiệp từng bước vào nước ta. Chúng lợi dụng hợp tác trên lĩnh vực cải cách chính trị, hành chính, tư pháp để tác động chuyển hóa chế độ chính trị ở nước ta; ii) về mặt kinh tế, bên cạnh những mặt tích cực, không thể phủ nhận những mặt trái của toàn cầu hóa. Nền kinh tế nước ta còn đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nên còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhiều lĩnh vực chưa đủ khả năng tham gia vào thị trường toàn cầu. Lợi dụng qui định của các tổ chức thương mại, các thể chế tài chính, kinh tế toàn cầu nhằm gây sức ép chuyển hóa chủ trương, đường lối của chúng ta là một trong những thủ đoạn hết sức tinh vi. Các NGOs (Tổ chức phi chính phủ) và TNCs (Công ty xuyên quốc gia) cũng cùng với dòng chảy hội nhập tham gia mạnh mẽ vào nền kinh tế Việt Nam, trong đó bao gồm những tổ chức, công ty có sự tài trợ của Mỹ và phương Tây. Đây là một trong những nguy cơ mà chúng ta cần phải luôn cảnh giác, tỉnh táo; iii) về mặt văn hóa - tư tưởng, lợi dụng tính phức tạp, nhạy cảm của các vấn đề tôn giáo, dân tộc, nhân quyền, các thế lực thù địch, phản động ở trong, ngoài nước đã chống phá nước ta bằng cách tạo áp lực từ cả bên trong và bên ngoài. Chúng kích động dư luận, tuyên truyền mạnh mẽ thông qua các cuộc "cách mạng sắc màu" trên thế giới nhằm đưa luận điệu "dân chủ thực sự" vào tư tưởng của người dân nói chung và tầng lớp sinh viên, học sinh nói riêng. Do đó, những cuộc "cách mạng sắc màu" thời gian qua là một trong những chất xúc tác nguy hiểm để các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lôi kéo vận động quần chúng thiếu hiểu biết để tập hợp lực lượng. Cùng với đó, những trào lưu tư tưởng tiêu cực từ bên ngoài du nhập vào nước ta sẽ tạo ra sự hỗn loạn, mất phương hướng, chuẩn mực giá trị, đạo đức, văn hóa, lối sống. Đây là một trong những tiền đề nguy hiểm để chúng lợi dụng truyền bá, hình thành các trào lưu tư tưởng và hệ giá trị đối lập trong xã hội ta [5].

3. Đấu tranh phòng, chống "diễn biến hòa bình", những tư tưởng biểu hiện của cuộc "cách mạng sắc màu" trong sinh viên nói chung, sinh viên trường FTC nói riêng.

Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Chúng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” trên tất cả các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực tư tưởng, văn hóa là mũi nhọn. Đối tượng mà chúng hướng đến nhiều nhất khi thực hiện chiến lược này là thanh niên, sinh viên vì đây là lực lượng đông đảo, có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đa chiều, thường xuyên sử dụng internet và mạng xã hội...  Khi thực hiện cuộc "cách mạng sắc màu" cũng như chiến lược "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa ở Việt Nam, các thế lực thù địch và phản động luôn hướng tới nhiều nhất là lực lượng sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong cả nước, trong đó có sinh viên trường FTC. Sinh viên thuộc nhóm thanh niên có độ tuổi từ 18 đến 22, 23, trẻ trung, năng động, sôi nổi, dễ tiếp thu cái mới nhưng cũng bồng bột, dễ sa đà, nhận thức chính trị chưa thật cao, rất dễ bị lôi kéo, mua chuộc vì những lợi ích, cám dỗ. Hay nói cách khác, sinh viên là đại biểu của một nhóm xã hội đặc biệt gồm những người đang trong quá trình chuẩn bị tri thức để trở thành chuyên gia, hoạt động lao động trong một lĩnh vực nhất định thuộc các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội hoặc sinh viên là những người đang học tập ở các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài nước”.

Sinh viên Việt Nam xuất thân từ các giai tầng khác nhau của mọi miền đất nước, tập trung về các trung tâm kinh tế, chính trị, các thành phố, thị xã để học tập. Đại đa số họ mới tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa ra khỏi sự quản lý trực tiếp của gia đình để sống tự lập. Do hơn 80% sinh viên Việt Nam xuất thân từ nông thôn nên khi vào học tại các trường đại học, cao đẳng, đa số sinh viên sống tập thể trong ký túc xá, hoặc ở trọ xung quanh các trường đại học, cao đẳng. Sinh viên là lớp người rất năng động, luôn chủ động, tích cực trong việc chuẩn bị hành trang cho tương lai của mình. Bên cạnh những gì sinh viên chịu ảnh hưởng do tiếp nhận sự trao truyền, giáo dục của thế hệ trước, họ luôn có lựa chọn của riêng mình và thế hệ mình. Ngoài ảnh hưởng từ cộng đồng, gia đình hay quốc gia - dân tộc, trong thời đại toàn cầu hóa, họ còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố văn hóa, tri thức, kinh nghiệm, giá trị và lựa chọn của các cộng đồng và cá nhân khác trên thế giới. Với những điều kiện đó, sinh viên thường có xu hướng thử nghiệm nhiều khả năng, nhiều lựa chọn, ngay cả khi họ còn chưa chuẩn bị đủ tốt cho những thử nghiệm đó, vì đối với họ, dù có phạm sai lầm vẫn có cơ hội làm lại, thử nghiệm lại. Vì vậy, phần đông sinh viên thường có xu hướng mạnh dạn, chủ động đưa ra sự lựa chọn của bản thân, mạnh dạn đương đầu với những khó khăn, dám thử nghiệm, làm khác lối mòn của thế hệ trước, coi đó như một phương thức để khẳng định tư cách “người lớn” của mình.

Đó là nguyên nhân thường dẫn đến những “lệch chuẩn” trong ứng xử văn hóa của sinh viên. Khi những thử nghiệm bị thất bại, những “lệch chuẩn” bị lên án thì sinh viên dễ rơi vào tình trạng bi quan, chán nản, mất phương hướng nhưng vì bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, họ cũng dễ dàng vượt qua. Đây là đặc điểm tâm lý đặc trưng của lứa tuổi thanh niên nói chung và sinh viên nói riêng mà không phải lứa tuổi nào cũng có.

Hơn nữa, sinh viên thường khá nhanh nhạy trong việc tiếp thu các thông tin mới, cũng như những luồng tư tưởng mới trong xã hội. Song, do còn có giới hạn về trình độ nhận thức và kinh nghiệm sống nên khả năng phân tích và chọn lọc thông tin có những hạn chế. Trong thực tế, nhiều sinh viên ít quan tâm đến những vấn đề chính trị - xã hội, lập trường tư tưởng chưa vững vàng nên dễ dao động, dễ bị lôi kéo...

Thời gian qua, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, do sự bùng phát của lối sống thực dụng chạy theo danh lợi bất chấp đạo lý đã dẫn đến những tiêu cực trong xã hội ngày càng phổ biến. Những biểu hiện xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội chưa được khắc phục, sự chống phá của các thế lực phản động quốc tế nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” đã tác động không nhỏ đến đời sống đạo đức công dân, ảnh hưởng lớn đến tâm tư, tình cảm, ý chí phấn đấu của sinh viên, thanh niên trí thức. Hậu quả là đã có một bộ phận thanh niên, trong đó có không ít sinh viên phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương hướng phấn đấu, không có chí lập thân, lập nghiệp; chạy theo lối sống thực dụng, sống thử, sống dựa dẫm, thiếu trách nhiệm, thờ ơ với gia đình và xã hội, sa vào nghiện ngập, thiếu trung thực, gian lận trong thi cử, chạy điểm, chạy trường, mua bằng cấp. Đây là những biểu hiện không thể coi thường”.

Với một số đặc điểm đó nên sinh viên là đối tượng mà các thế lực thù địch hướng tới khi thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm mục tiêu tiến hành các cuộc cách mạng sắc màu , chống phá cách mạng nước ta.

Những âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình” về tư tưởng, văn hóa, chuẩn bị tiến hành các cuộc sắc màu đối với sinh viên thời gian vừa qua  tập trung vào một số vấn đề như: thâm nhập vào tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên nhằm phá vỡ các tổ chức này; đưa các xuất bản phẩm đồi trụy, phản động vào đời sống tinh thần của sinh viên; lợi dụng tín ngưỡng, mê tín dị đoan để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” về tư tưởng, văn hóa. Nhiều đối tượng đã len lỏi vào các ký túc xá sinh viên, giảng đường, đến các hội thảo khoa học, thông qua internet... lôi kéo, kích động, nhằm tạo sự bất ổn về chính trị tư tưởng, làm cơ sở cho những vụ gây rối trật tự an ninh trong đời sống sinh viên và trong xã hội thời gian qua. Hơn nữa, nếu như trước kia, các thế lực thù địch lợi dụng các hình thức chống phá truyền thống như tuyên truyền “rỉ tai” với mục đích “mưa dầm thấm lâu” bằng tờ rơi, báo chí, phát thanh... thì ngày nay, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng mạng xã hội để tấn công vào thanh niên, sinh viên. Chúng ra sức đăng tải các bài viết, blog, hình ảnh, clip... trên mạng xã hội để đưa các thông tin bịa đặt, xuyên tạc, vu khống. Những nội dung mà các thế lực thù địch thường xuyên hướng đến sinh viên là:

i) Lấy sự thất bại của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu làm cái cớ để xuyên tạc, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nhằm làm lung lạc tinh thần, lung lay ý chí, khiến cho thanh niên, sinh viên hoài nghi về sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, từ đó phai nhạt lý tưởng, mất mục tiêu phấn đấu.

ii) Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thế lực thù địch cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam tuy có những thành công trong lãnh đạo đấu tranh giải phóng dân tộc song hiện tại đã mất đi vai trò lãnh đạo của mình bởi lẽ việc lựa chọn phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa là một sự “kéo lùi lịch sử”; “tránh chỗ sáng tìm chỗ tối”, “không tuân theo quy luật khách quan”... Sự phủ nhận trắng trợn đó nhằm làm phai nhạt lý tưởng của thanh niên, phai nhạt lòng trung thành với Đảng và không còn mục tiêu phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng.

iii) “Bôi nhọ”, “hạ bệ” các đồng chí lãnh đạo của cách mạng Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng đất nước. Các thế lực thù địch đã lợi dụng những hạn chế, thiếu sót, tha hóa của một số cán bộ lãnh đạo để quy chụp công tác cán bộ của Đảng. Chúng còn cho rằng việc Đảng ta đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua chỉ là “che mắt thế gian”... Điều đó nhằm khiến cho thanh niên mất niềm tin vào Đảng, vào các cán bộ lãnh đạo của Đảng, từ đó hoài nghi, dao động về lập trường tư tưởng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

iv) Thổi phồng những thành tựu của chủ nghĩa tư bản hiện đại, tuyên truyền, cổ xúy lối sống phương Tây với những biểu hiện thực dụng, coi trọng các giá trị vật chất, lối sống cá nhân, vị kỷ... lôi kéo, mua chuộc nhằm làm cho sinh viên quên những giá trị truyền thống tốt đẹp, có biểu hiện sính ngoại, sẵn sàng vì lợi ích cá nhân trước mắt mà đánh đổi lợi ích, sự nghiệp lâu dài.

Với những chiêu bài tinh vi đó của các thế lực thù địch, có sinh viên do còn mơ hồ về chính trị, thiếu kinh nghiệm sống nên bị mắc mưu. Ở một số địa phương, một số sinh viên đã bị các phần tử phản động lôi kéo, tham gia biểu tình chống chính quyền. Trong những ngày chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, một số sinh viên bị kích động đã lập các blog cá nhân đăng tải nội dung cổ xúy cho các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, từ đó có các bình luận xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và toàn xã hội... Cũng có sinh viên bị các phần tử phản động lôi kéo trên mạng xã hội bằng cách tham gia bình luận, chia sẻ các bài viết nói xấu, xuyên tạc, bóp méo sự thật về Đảng, Nhà nước và nhân dân ta... Điều đó khiến cho tình hình chính trị, tư tưởng của sinh viên trở nên rất phức tạp, khó kiểm soát, khó nắm bắt. Đây là một thách thức không nhỏ đối với công tác tư tưởng, văn hóa, rèn luyện, giáo dục.

4. Một số giải pháp góp phần phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” và nguy cơ xảy ra các cuộc cách mạng sắc màu" trong sinh viên ở Việt Nam nói chung và sinh viên trường FTC nói riêng hiện nay.

Từ tình hình hoạt động chống phá của các thế lực thù địch đối với thanh niên, sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên trường FTC nói riêng trong thời gian qua, để phòng chống nguy cơ diễn biến hòa bình và cách mạng sắc màu, thanh niên, sinh viên cần thực hiện một số giải pháp cơ bản như sau: i/ Tăng cường giáo dục lý luận chính trị cho thanh niên, sinh viên. Hiện nay ở các trường đại học, cao đẳng ở nước ta, các môn lý luận chính trị như triết học Mác- Lênin, Kinh tế- chính trị Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là những môn học bắt buộc. Tuy nhiên, thời lượng các môn học này bị cắt giảm, trong khi đó phương pháp giảng dạy chậm được đổi mới. Do đó, để tăng cường giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên hiện nay, trước hết cần đổi mới đồng bộ cả nội dung và chương trình đào tạo. Đổi mới nội dung chương trình cần được tiến hành theo hướng giảm dần những kiến thức kinh viện, hàn lâm; tăng dần những kiến thức thực tiễn. Phương pháp giảng dạy cần đổi mới theo hướng kết hợp hài hòa các phương pháp giảng dạy thuyết trình truyền thống với phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại; mạnh dạn chuyển hướng theo mô hình “lớp học đảo ngược” bằng cách tăng dần vị thế làm chủ lớp học của sinh viên để phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực của sinh viên. Mô hình này đã được áp dụng có hiệu quả ở nhiều trường đại  nên cần tiếp tục được nhân rộng để phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo cho sinh viên trong quá trình học tập lý luận chính trị.

Các môn lý luận chính trị vốn rất khô khan nên để kích thích sự hào hứng, tích cực của sinh viên cần mạnh dạn đổi mới cả cách thức quản lý lớp học, cách thức kiểm tra, thi cử. Thay dần hình thức thi viết truyền thống bằng thi vấn đáp, hùng biện, trắc nghiệm trực tuyến... Việc tăng cường giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên là công cụ đầu tiên để trang bị cho họ nền tảng lý luận vững chắc, giúp cho sinh viên có lập trường tư tưởng vững vàng, có ý thức chính trị đúng đắn, có khả năng phân biệt những luận điệu xuyên tạc, sai trái, tránh bị lôi kéo, mua chuộc bởi các thế lực thù địch.

ii) Phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên trong các học viện, nhà trường

Tổ chức Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên là trường học của sinh viên. Đó là môi trường giáo dục và rèn luyện sinh viên cả về tri thức, đạo đức, tác phong, kỹ năng... Do đó, để góp phần phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” về tư tưởng, văn hóa, đề phòng xảy ra các cuộc cách mạng sắc màu  trong sinh viên cần đặc biệt quan tâm đến phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trong các học viện, trường đại học, cao đẳng.

Trước hết, cần đổi mới nội dung hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên theo hướng hiệu quả, thiết thực. Nội dung hoạt động phải phong phú, sinh động với mục tiêu là giáo dục cho sinh viên sống và làm việc theo pháp luật, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; làm cho sinh viên thấm nhuần quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; hiểu biết và trân trọng truyền thống dân tộc cũng như truyền thống của nhà trường, nơi sinh viên đang theo học, định hướng đạo đức nghề nghiệp, từ đó giúp họ thấu hiểu và kiên định với sự lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Ngoài ra, tổ chức Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên cần tăng cường giáo dục cho sinh viên ý thức công dân, trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, nhất là trách nhiệm trong đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, phản động.

Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, khi các thế lực thù địch đang tìm mọi cách lôi kéo, mua chuộc sinh viên trên các trang mạng xã hội phản động, trách nhiệm của Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên là phải nhanh chóng nắm bắt tâm lý, tư tưởng của sinh viên; phát hiện và xử lý kịp thời những biểu hiện sai trái, lệch lạc trong tư tưởng, lối sống; chú trọng đến việc định hướng dư luận để giúp sinh viên có những nhận thức đúng đắn về các hiện tượng xã hội, nhất là những hiện tượng tiêu cực được nhiều người quan tâm.

Phát huy vai trò của cán bộ đoàn, cán bộ hội trong tuyên truyền, vận động sinh viên tích cực tham gia sinh hoạt đoàn, sinh hoạt hội để kịp thời nắm bắt tư tưởng, tình cảm, tâm lý của họ. Bản thân mỗi cán bộ đoàn, cán bộ hội phải thực sự gương mẫu cả trong học tập và trong sinh hoạt; cả trong đạo đức và trong lối sống để tạo tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa tích cực trong sinh viên.

iii) Chú trọng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho sinh viên.

Ở Việt Nam hiện nay, đời sống vật chất và tinh thần của sinh viên còn khá nghèo nàn, đơn điệu. Biểu hiện của tình trạng này là sự thiếu thốn điều kiện sinh hoạt, học tập, ít có cơ hội được tiếp cận các hoạt động văn hóa, văn nghệ... Đây là một trong những kẽ hở để các thế lực thù địch thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” về tư tưởng, văn hóa và nguy cơ xảy ra các cuộc cách mạng sắc màu. Do đó, để góp phần phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” và cách mạng sắc màu phải chú ý đến việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho sinh viên.

Trước hết, lãnh đạo các nhà trường cần quan tâm, tạo điều kiện cho sinh viên, nhất là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về điều kiện ăn, ở trong các ký túc xá; các giảng đường, thư viện được trang bị các thiết bị dạy học hiện đại; điều kiện sinh hoạt của sinh viên gắn với các khu văn hóa, thể thao... Đó là những môi trường thuận lợi để sinh viên phát huy năng lực của mình trong học tập và rèn luyện. Điều đó góp phần giúp sinh viên có tâm lý an tâm, thoải mái, hứng khởi, tin tưởng vào môi trường học tập, tránh xa những thói hư tật xấu; tránh bị lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc...

Các tổ chức chính trị - xã hội trong các nhà trường, nhất là Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên... cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, giúp cho sinh viên có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, hướng đến những giá trị sống tích cực. Giáo dục sinh viên theo hướng tạo điều kiện cho sinh viên tham gia nhiều hơn vào các hoạt động vì cộng đồng như các phong trào xung kích, tình nguyện, hướng nghiệp, khởi nghiệp... Những hoạt động thiết thực này sẽ giúp cho sinh viên có định hướng sống rõ ràng, hạn chế tiếp xúc với những lối sống, văn hóa lệch lạc, thiếu chuẩn mực.

iv) Phát huy tính tích cực, chủ động của sinh viên trong học tập và rèn luyện.

Để có thể phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và nguy cơ xảy ra các cuộc cách mạng sắc màu  không thể không chú ý phát huy tính tích cực, chủ động của mỗi sinh viên trong học tập và rèn luyện, bởi lẽ bản thân mỗi sinh viên chính là chủ thể quan trọng nhất trong việc làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.

Mỗi sinh viên cần nêu cao ý thức và trách nhiệm trong học tập và rèn luyện; trước tiên là học tập lý luận chính trị để trang bị cho mình nền tảng lý luận vững chắc, tăng cường khả năng “miễn dịch” trước các âm mưu của các thế lực thù địch. Khắc phục triệt để tình trạng lười học, học qua loa, đối phó, gian lận trong thi cử. Ngoài ra, mỗi sinh viên cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo trước những chiêu bài mua chuộc của các thế lực thù địch; luôn có ý thức trách nhiệm khi tham gia các trang mạng xã hội, nhất là những trang mạng có nội dung chính trị - xã hội. Không bình luận, chia sẻ những bài viết có nội dung bôi nhọ, hạ bệ danh dự của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Không tham gia vào các cộng đồng mạng có dấu hiệu tiêu cực như chống đối, phản bác, biểu tình... Bên cạnh đó, mỗi sinh viên cũng cần tích cực tham gia vào các chương trình do nhà trường, Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên tổ chức như cuộc thi “Ánh sáng soi đường”, thi cán bộ đoàn giỏi các cấp, thi sinh viên thanh lịch, thi tìm hiểu về pháp luật... Những cuộc thi đó chính là sân chơi để sinh viên nâng cao ý thức chính trị cho bản thân.

v) Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp, tạo cơ hội cho sinh viên được học tập trải nghiệm, thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, làm việc Parttime. Sinh viên được tiếp cận với môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, hình thành nên lối sống đẹp, hoàn thiện ý thức nghề nghiệp sớm; có điều kiện tăng cường học vấn, chuyên môn, rèn giũa kỹ năng; đồng thời có thêm thu nhập trang trải một phần cuộc sống, nâng cao tinh thần, tránh xa được môi trường cám dỗ, tăng sự tin tưởng và khát vọng học tập để thành đạt sớm.

Sinh viên là đối tượng hướng tới nhiều nhất của các thế lực thù địch khi thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” về tư tưởng, văn hóa  và nguy cơ xảy ra các cuộc sắc màu ở Việt Nam. Để phòng, chống chiến lược đó, cần có sự kết hợp của nhiều biện pháp, cách thức, trong đó có những giải pháp cơ bản nêu trên. Những giải pháp này sẽ góp phần xây dựng đội ngũ sinh viên vững vàng về tri thức và lập trường chính trị, tư tưởng, kiên định trước mọi sự lôi kéo, chống phá ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch[6].

 

[1] Lê Trung Kiên "Bản chất cách mạng màu và những nguy cơ tiềm ẩn đối với Việt Nam hiện nay". Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Cập nhật 8:36, Thứ Năm, 03/03/2022.

[2] Lừ Vinh "nhìn từ cách mạng màu tại Bangladesh đến tình hình Việt Nam hiện nay". https: www.congan.sonla.gov.vn. Cập nhật 25.02.2025

[3] "Cảnh giác nguy cơ tiềm ẩn" "cách mạng sắc màu". https: congan. Laichau.gov.vn. Thứ 5, 19/9/2024. 1534. Cập nhật 25/02/2025

[4] Hà Anh "Nhận diện "cách mạng màu" trong giai đoạn hiện nay". Trạm thông tin điện tử. Công an tỉnh Đắk Lắk ngày 17/8/2024. https://congan daklak.gov.vn. cập nhập 25.02.2025

[5] Nguyễn Hữu Cát, Đoàn Thị Mai Liên "cách mạng sắc màu và giải pháp phòng, chống", Tạp chí điện từ Lý luận chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 25-9-2017, 11:48. https:// lyluanchinhtri.vn.cập nhật 25-2-2025

[6] Hà Thị Bích Thủy "Đấu tranh phòng, chống "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong sinh viên hiện nay. Tạp chí "Biên phòng Việt Nam" điện tử. https://bienphongvietnam.gov.vn/ dau-tranh-phong-chong-sinh-vien.html. cập nhật ngày 05-3-2025.

Các bài viết khác

(024) 6292 8282
(024) 6292 8282 089 983 3579