
Nghiên cứu - Trao đổi
Tìm biết về một số nội dung cơ bản khi thiết kế một nghiên cứu khoa học
TÌM BIẾT VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN KHI THIẾT KẾ MỘT NGHIÊN CỨU KHOA HỌC[1]
PGS. TS Võ Đại Quang[2]
Tóm tắt
Bài viết này cung cấp cho người đọc cái nhìn tổng thể về cách thực hiện một nghiên cứu. Phương pháp được sử dụng để thực hiện nghiên cứu này là Tổng quan tư liệu hệ thống (SLR) về các loại thiết kế nghiên cứu và các bước thực hiện nghiên cứu với các tiêu điểm sau:
- Các bước thiết kế một nghiên cứu;
- Đặc điểm chính của các loại thiết kế nghiên cứu hiện thời;
(iii) Những vấn đề liên quan đến dữ liệu: các loại dữ liệu, quần thể nghiên cứu và phương phấp lấy mẫu, quy trình thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu định lượng và dữ liệu định tính.
Từ khóa: thiết kế nghiên cứu, phân tích dữ liệu, quần thể, phương pháp lấy mẫu, định tính, tiếp cận
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong nhiều năm làm việc với tư cách là người nghiên cứu, giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh ngành tiếng Anh tại nhiều cơ sở đào tạo trên toàn quốc, chúng tôi có nhận xét rằng người học đôi khi lúng túng không biết nên bắt đầu thực hiện một nghiên cứu như thế nào, chẳng hạn như cách xác định, thực hiện bài tập nghiên cứu nhỏ (mini-research), luận văn, luận án, đề án. Do vậy, việc chỉ dẫn về những vấn đề này cần được khuyến khích.
Dựa vào các tài liệu tham khảo trực tiếp liên quan đến phương pháp luận nghiên cứu, bằng phương pháp Tổng quan tư liệu hệ thống (SLR)[3], chúng tôi cố gắng tóm lược một số nội dung cơ bản, cần yếu về quy trình cần được tuân thủ trong thực hiện một nghiên cứu khoa học.
Câu hỏi nghiên cứu được đặt ra trong bài viết này là:
Khi thiết kế một nghiên cứu khoa học cần phải xem xét những nội dung gì?
Câu trả lời ngắn gọn, trực tiếp cho câu hỏi này là: Người nghiên cứu nhất thiết phải có quyết định về những vấn đề sau:
(i) Mục đích nghiên cứu tồng thể và cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu;
(ii) Thiết kế nghiên cứu;
(iii) Phương pháp lấy mẫu (sampling methods) và các tiêu chí lựa chọn khách thể nghiên cứu;
(iv) Phương pháp thu thập dữ liệu;
(v) Quy trình thu thập dữ liệu;
(vi) Phương pháp phân tích dữ liệu.
Sau đây là phần trình bày cụ thể hơn liên quan đến việc thiết kế một nghiên cứu.
NHỮNG NỘI DUNG CẦN BIẾT TRONG THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU
Về mặt nhận thức, trước khi tiến hành thiết kế nghiên cứu, người nghiên cứu cần phân biệt các khái niệm dễ gây nhầm lẫn như Phương pháp nghiên cứu, Phương pháp luận nghiên cứu, và Thiết kế nghiên cứu. Các nguồn tài liệu tham khảo đều cho thấy có những cách hiểu thường gặp sau:
Phương pháp nghiên cứu là một chiến lược được sử dụng trong việc thu thập dữ liệu, bằng chứng để phân tích nhằm có được thông tin mới hoặc sự hiểu biết về một chủ đề cụ thể nào đó.
Phương pháp luận nghiên cứu cung cấp sự giải thích về việc tại sao một phương pháp cụ thể được sử dụng. Thông tin giải thích này bao gồm thông tin về việc nghiên cứu được xác lập cấu trúc và được thực hiện như thế nào, bao gồm cả việc lập kế hoạch tổng thể khi thu thập, phân tích, và đánh giá dữ liệu.
Thiết kế nghiên cứu là tổng quan về các bước được thực hiện trong thực tế, là kế hoạch về những việc cần được thực hiện để trả lời câu hỏi nghiên cứu. Khi thiết kế nghiên cứu, những việc cần cân nhắc là: (i) vấn đề nghiên cứu; (ii) phương pháp luận nghiên cứu; (iii) thu thập dữ liệu; (iv) phân tích dữ liệu; (v) viết báo cáo khi hoàn thành. Người nghiên cứu chỉ có được thiết kế nghiên cứu khi họ xác định chính xác họ muốn biết cái gì và cần xử trí những vấn đề gì để có được thông tin đó.
Về mặt quy trình, một Thiết kế nghiên cứu, khi được xem xét kỹ, sẽ giúp đảm bảo rằng phương pháp nghiên cứu được lựa chọn là phù hợp với mục đích nghiên cứu và phương thức phân tích dữ liệu. Sau đây là những nét chính trong các bước thực hiện.
Bước 1: Xem xét mục đích nghiên cứu và phương thức tiếp cận
Trước khi thiết kế một nghiên cứu, người nghiên cứu cần có ý tưởng rõ ràng về vấn đề được nghiên cứu. Nội dung này có thể được diễn đạt một cách tường minh bằng câu hỏi nghiên cứu. Ví dụ:
Thái độ của sinh viên năm thứ nhất khoa tiếng Anh đối với việc sử dụng ‘kỹ thuật kể chuyện’ (story telling) để nâng cao kỹ năng NÓI tiếng Anh như thế nào?
Có nhiều cách để tìm câu trả lời cho câu hỏi nghiên cứu. Mục đích nghiên cứu và phương thức tiếp cận (định tính hay, định lượng, hay cả hai) quy định việc lựa chọn thiết kế nghiên cứu cần được sử dụng.
Việc đầu tiên người nghiên cứu cần lựa chọn là xác định cách tiếp cận: định tính, định lượng, hay cả hai. Sau đây là phần trình bày về đặc điểm chính của cách tiếp cận định tính và cách tiếp cận định lượng.
Đường hướng định tính
- Đường hướng định tính giúp hiểu về những trải nghiệm, tín niệm (niềm tin) của cá nhân;
- Đường hướng định tính giúp người nghiên cứu có được hiểu biết chuyên sâu về một cảnh huống hoặc một môi trường văn hóa cụ thể;
- Đường hướng định tính giúp khám phá những vấn đề đang được nghiên cứu và giúp tạo ra những ý tưởng mới.
Đường hướng định lượng
- Đường hướng định lượng giúp đo lường các tham biến (variables), miêu tả các loại tần xuất và các quan hệ tương liên (correlations);
- Đường hướng định lượng giúp kiểm chứng giả thuyết về mối quan hệ giữa các tham biến (variables);
- Đường hướng định lượng giúp kiểm chứng hiệu quả của các cách xử lý mới.
Bước 2: Lựa chọn Thiết kế nghiên cứu
Các loại Thiết kế nghiên cứu định lượng
(i) Nghiên cứu Thực nghiệm (experimental research);
Nghiên cứu thực nghiệm được sử dụng để kiểm chứng quan hệ nhân-quả; Loại nghiên cứu này liên quan đến việc sử dụng tham biến độc lập (independent variable) và đo lường hiệu quả tác động của nó đối với tham biến phụ thuộc (dependent variable); Các khách thể nghiên cứu được phân chia một cách ngẫu nhiên vào các nhóm; Nghiên cứu thực nghiệm thường được thực hiện trong môi trường có kiểm soát.
(ii) Nghiên cứu Phỏng thực nghiệm (quasi-experimental research);
Nghiên cứu thực nghiệm được sử dụng để kiểm chứng quan hệ nhân-quả; Các khách thể được sắp xếp không ngẫu nhiên; Nghiên cứu Phỏng thực nghiệm thường được thực hiện trong môi trường tự nhiên.
(iii) Nghiên cứu Tương liên (correlational research);
Nghiên cứu Tương liên thường được sử dụng để xác định quan hệ giữa các tham biến (variables);
(iv) Nghiên cứu Miêu tả (descriptive research);
Loại nghiên cứu này được sử dụng để miêu tả đặc điểm, khuynh hướng, chỉ số ước lượng trung bình; Trong loại nghiên cứu này, các tham biến được đo lường. Việc đo lường không làm thay đổi các chỉ số của tham số (parameter).
(v) Nghiên cứu hành động / nghiên cứu tìm giải pháp (action research).
Đây là loại nghiên cứu để tìm giải pháp cho một vấn đề nào đó, hoặc để cải tiến, nâng cao chất lượng của loại hoạt động nào đó. Trong loại nghiên cứu này thường có sự kết hợp cả yếu tố định lượng và định tính.
Các loại Thiết kế nghiên cứu định tính
(i) Nghiên cứu Trường hợp cụ thể (case study);
Đây là loại nghiên cứu chi tiết về một khách thể cụ thể như nơi chốn, sự kiện, tổ chức,…; dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ nhiều nguồn và bằng các phương pháp khác nhau; tâm điểm của nghiên cứu là sự hiểu biết càng đầy đủ càng tốt về một trường hợp cụ thể.
(ii) Nghiên cứu Dân tộc học (ethnography);
Đây là sự nghiên cứu chi tiết về văn hóa của một cộng đồng hoặc một nhóm người cụ thể; Loại thiết kế nghiên cứu này tập trung vào việc miêu tả và thuyết giải các tín niệm, các quy ước, …
(iii) Nghiên cứu Tạo sinh lý thuyết mới (grounded theory);
Mục đích của loại Thiết kế này là phát triển lý thuyết mới theo con đường quy nạp bằng cách phân tích một cách hệ thống dữ liệu định tính.
(iv) Nghiên cứu Hiện tượng học (phenomenology);
Loại thiết kế nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm kiếm sự hiểu biết một hiện tượng hoặc một sự kiện thông qua việc miêu tả trải nghiệm sống của các tham thể (participants).
Bước 3: Nhận diện Quần thể (population) và phương pháp lấy Mẫu (sample)
Quần thể và mẫu nghiên cứu
Trong thiết kế nghiên cứu cần xác định rõ tâm điểm của việc nghiên cứu và phương thức chọn các tham thể nghiên cứu. Quần thể (population) là toàn bộ đối tượng được nghiên cứu. Mẫu (sample) là một số cá thể hoặc nhóm nhỏ được chọn để đại diện cho Quần thể. Thường là, do không thể thu thập được dữ liệu từ toàn bộ quần thể, người nghiên cứu luôn cố gắng để thu thập dữ liệu từ các mẫu đại diện cho toàn bộ quần thể. Ví dụ: Để nghiên cứu về hiệu quả của dạy trực tuyến (online teaching) ở Việt Nam, không thể chọn được mẫu đại diện là tất cả người học từ tất cả các trường học. Người nghiên cứu có thể chọn mẫu đại diện là quần thể nhỏ hơn, chẳng hạn như người học ở các trường tại Hà Nội.
Phương pháp lấy mẫu
Có hai phương pháp lấy mẫu: lấy mẫu ngẫu nhiên (probability sampling) và lấy mẫu không ngẫu nhiên (non-probability sampling). Sau đây là những đặc điểm của 2 phương pháp này:
Lấy mẫu ngẫu nhiên (probability sampling)
Mẫu được lựa chọn ngẫu nhiên; Cách lấy mẫu này thường được sử dụng trong nghiên cứu định lượng; Lấy mẫu ngẫu nhiên làm tăng độ tin cậy của các suy luận dựa trên kết quả của kỹ thuật thống kê.
Lấy mẫu không ngẫu nhiên (non-probability sampling)
Mẫu được lựa chọn theo cách không ngẫu nhiên; Cách lấy mẫu này được sử dụng cả trong nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính, dễ thực hiện nhưng có độ rủi ro về định kiến (bias). Do vậy, cần luôn cố gắng thu thập các mẫu có mức độ đại diện cao cho quần thể.
Một lưu ý trong nghiên cứu định tính
Trong một vài Thiết kế nghiên cứu định tính như Nghiên cứu trường hợp cụ thể (case study), nghiên cứu dân tộc học (ethnography), mục đích nghiên cứu là để hiểu sâu sắc về một bối cảnh cụ thể. Do vậy, thay vì lấy mẫu, người nghiên cứu chỉ đơn giản là thu thập càng nhiều càng tốt dữ liệu về bối cảnh nghiên cứu.
Bước 4: Lựa chọn phương pháp thu thập dữ liệu
Phương pháp thu thập dữ liệu là phương pháp đo lường các tham biến và thu thập thông tin. Các phương pháp này đem lại hiểu biết nguyên cấp (primary) về vấn đề nghiên cứu. Người nghiên cứu có thể sử dụng một phương pháp hoặc kết hợp nhiều phương pháp thu thập dữ liệu.
Những phương pháp, công cụ thu thập dữ liệu thường được sử dụng là: phương pháp sử dụng (i) bảng hỏi (questionnaire), (ii) phỏng vấn, (iii) quan sát định tính, và (iv) quan sát định lượng. Sau đây là những đặc điểm chính của các phương pháp, công cụ thu thập dữ liệu này:
Bảng hỏi: Thường được sử dụng trong nghiên cứu định lượng; Có thể được sử dụng linh hoạt: trực tuyến, trực tiếp, qua điện thoại, qua thư; Các câu hỏi thường là các câu hỏi đóng; Có thể thu nhận dữ liệu từ nhiều người.
Phỏng vấn: Thường được sử dụng trong nghiên cứu định tính; Có thể do người nghiên cứu trực tiếp thực hiện hoặc thông qua thư, điện thoại; Người tham gia có thể trả lời theo quan điểm riêng; Chiều sâu của các ý tưởng có thể được khám phá khi phỏng vấn các nhóm nhỏ.
Quan sát định tính: Người tham gia có thể đo lường dữ liệu một cách hệ thống; Các loại dữ liệu và các tiêu chí được xác định trước khi thực hiện việc quan sát.
Quan sát định lượng: Người nghiên cứu có thể ghi chép và miêu tả dữ liệu một cách chi tiết; Tất cả những quan sát liên quan có thể được ghi âm. Ưu điểm của Phương pháp Quan sát (hành vi, đặc điểm, tương tác xã hội) là: người nghiên cứu có thể chủ động thực hiện, không bị ngoại cảnh cản trở.
Người nghiên cứu có thể sử dụng dữ liệu thứ cấp (secondary data) trong trường hợp không có thời gian hoặc nguồn lực để thu thập dữ liệu về quần thể nghiên cứu. Những dữ liệu này có thể là dữ liệu của Chính phủ hoặc dữ liệu từ các nghiên cứu trước đây.
Bước 5: Lập kế hoạch về quy trình thu thập dữ liệu
Việc lập kế hoạch về quy trình thu thập dữ liệu một cách có hệ thống là rất quan trọng trong nghiên cứu định lượng. Người nghiên cứu cần xác định chính xác số lượng tham biến và đảm bảo rằng việc đo lường là đáng tin cậy và có giá trị (hiệu lực). Trong quá trình lấy mẫu, người nghiên cứu cần quyết định về những vấn đề sau: Số lượng tham thể bao nhiêu là đủ; Cần sử dụng những tiêu chí gì để xác định các tham thể (participants) phù hợp; Liên lạc với các tham thể bằng cách nào: qua thư, điện thoại, trực tuyến hay trực tiếp?
Việc quản lý và tổ chức, sắp xếp dữ liệu hợp lý, khoa học sẽ giúp tiết kiệm thời gian khi phân tích.
Bước 6: Lựa chọn phương pháp phân tích dữ liệu
Bước cuối cùng của việc thiết kế một nghiên cứu là lập kế hoạch phân tích dữ liệu vì dữ liệu thô không giúp trả lời câu hỏi nghiên cứu. Dữ liệu cần được phân tích. Có nhiều phương pháp phân tích dữ liệu. Có các phương pháp phân tích đặc trưng cho phân tích dữ liệu định tính là phân tích thống kê suy luận (inferential statistics), phân tích theo chủ điểm (thematic analysis), phân tích diễn ngôn (discourse analysis). Phương pháp thông dụng trong phân tích dữ liệu định lượng là phân tích thống kê miêu tả (descriptive statistics). Nội dung này sẽ được trình bày kỹ trong một dịp khác.
THAY LỜI KẾT
Nghiên cứu khoa học là loại hoạt động giúp sáng tạo tri thức mới; và đồng thời, hoạt động này có thể được sử dụng như một trong những phương thức hỗ trợ công việc đào tạo. Ở mức độ nhất định, bài viết này tổng quan những tri thức cơ bản, nhập môn, cần yếu khi thực hiện một nghiên cứu, đáp ứng những kỳ vọng (trong mức độ và phạm vi nhất định) ở cả hai phương diện giảng dạy và nghiên cứu.
Về mặt phục vụ nghiên cứu, bài viết này giúp người học làm quen với những khái niệm được tàng chứa trong các thuật ngữ tiếng Anh và Việt. Những thuật ngữ này quy chiếu tới các khái niệm liên quan đến Phương pháp luận nghiên cứu khoa học và có thể được sử dụng như những công cụ nghiên cứu.
Về mặt phương pháp giảng dạy, những hiểu biết về phương pháp nghiên cứu khoa học giúp người học củng cố thêm nhận thức rằng nghiên cứu khoa học có thể được sử dụng như một kỹ thuật (technique), một phương thức dạy học nhằm tăng cường việc lĩnh hội và ứng dụng tri thức. Nội dung được trình bày trong bài này là những chỉ dẫn ban đầu giúp người học lựa chọn và thực hiện các nghiên cứu nhỏ (mini-research), các đề án, luận văn, luận án trong quá trình học tập.
Đóng góp rất khiêm tốn của bài nghiên cứu tổng quan này chỉ là: Sử dụng phương pháp Tổng quan hệ thống tư liệu (SLR) để hệ thống hóa, đơn giản hóa, trình bày một cách ngắn gọn, dễ hiểu ý tưởng của các nhà nghiên cứu về vấn đề Thiết kế nghiên cứu. Chúng tôi mong nhận được sự thông cảm, chia sẻ liên quan những thiếu sót còn tồn tại trong bài.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
Creswell, John W. (2012) Educational Research: planning, conducting, and evaluating quantitative and qualitative research - 4th edition. Pearson.
Saunders, M. (2019). Research onion. Pearson.
Saunders, M., Lewis, P. and Thornhill, A. (2007) Research Methods for Business Students. 4th Edition, Financial Times Prentice Hall, Edinburgh Gate, Harlow.
Vo Dai Quang (2009). Classroom Action Research (in Modality-Expressing Means and Devices in English and Vietnamese). Ha Noi: VNU Publisher.
Abstract
The ultimate aim of this paper is to provide readers with an averview of how to conduct a research. By way of SLR as a method, this review paper is concerned with types of research designs and research procedure which center round the following focal points:
- Steps for designing a research;
- Major characteristics of existing types of research designs;
- Data-related issues: types of data, population and sampling methods, data collection procedure, quantitative and qualitative data analysis.
Key words: research design, data analysis, population, sampling methods, qualitative, approach
[1] Bài viết này được tinh chỉnh trên cơ sở tài liệu Võ Đại Quang (2017). Pragmatics: Lectures in Broad Outline (document for internal distribution). Ha Nội: VNU - ULIS
[2] Email: quangvd@vnu.edu.vn; Cell phone / Zalo: 0903410341
[3] SLR là ký hiệu viết tắt của cụm từ tiếng Anh ‘Systematic Literature Review’. Hiện thời, SLR được nhiều nhà nghiên cứu coi là một phương pháp nghiên cứu khoa học cung cấp cái nhìn khái quát về một chủ đề cụ thể để từ đó phát hiện khoảng trống cần được tiếp tục nghiên cứu.
PGS. TS Võ Đại Quang - Trưởng khoa Ngôn ngữ Trung Quốc